Trong khi phần còn lại của thế giới tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc, nơi các ca lây nhiễm mới được giữ ở mức thấp suốt nhiều tháng qua, đang nhanh chóng thúc đẩy, vực dậy nền kinh tế và theo đuổi những mục tiêu chính trị dài hạn.
Một lý do giúp Trung Quốc có thể thoải mái thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình bắt nguồn từ quá trình chuyển giao quyền lực đầy hỗn loạn tại Mỹ. Quãng thời gian kể từ khi có kết quả bầu cử đến lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thường tạo ra những hỗn loạn về chính sách và tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn trong chính quyền. Sự hỗn loạn này càng bị đẩy lên cao trào với việc Tổng thống Donald Trump cùng các đồng minh đảng Cộng hòa từ chối công nhận chiến thắng thuộc về đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Đỉnh điểm hỗn loạn xảy ra vào ngày 6/1, khi những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xâm chiếm tòa nhà quốc hội Mỹ, gây ra một cuộc bạo loạn chưa từng có trên Đồi Capitol. Với tình hình rối ren như hiện nay, rất ít khả năng các lãnh đạo ở Washington có đủ thời gian chú ý đến những vấn đề nằm ngoài biên giới nước Mỹ, chuyên gia nhận định.
Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận đầu tư lớn với Liên minh châu Âu, (EU) có khả năng làm suy yếu ảnh hưởng của Washington khi đối đầu với Bắc Kinh. Cảnh sát Hong Kong cũng bắt hàng chục nhà hoạt động tại đặc khu, theo luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh ban hành tháng 6 năm ngoái.
Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Biden lên án cả hai hành động trên, dù còn hai tuần nữa ông mới nhậm chức. Ngược lại, Tổng thống Trump tỏ ra không quan tâm đến các động thái của Trung Quốc, mà chỉ tập trung vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử.
Cả hai hành động của Bắc Kinh gần đây đều là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang vươn lên so với phần còn lại của thế giới và ra sức tận dụng tình hình hỗn loạn hiện tại ở Washington.
Sau khi dành phần lớn nhiệm kỳ của mình vừa xoa dịu vừa gây sức ép lên Bắc Kinh, Tổng thống Trump đã có một đường lối chống Trung Quốc cứng rắn hơn trong năm cuối cùng ở Nhà Trắng, thúc đẩy gia tăng trừng phạt và các hành động kiềm chế khác nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời hướng tới xây dựng một liên minh ứng phó Trung Quốc trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ không thu được nhiều thành công khi chỉ có rất ít nước tham gia. Australia là một trong số ít đó. Quyết định này đang khiến Canberra chật vật khi phải hứng chịu những đòn trả đũa nặng nề từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hàng loạt mặt hàng từ Australia như thịt bò, lúa mạch, gỗ, than đá.
Các lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng không giống như Mỹ, họ không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác mà chỉ tìm kiếm những mối hợp tác "đôi bên cùng có lợi". Song theo giới quan sát, Trung Quốc đang không ngừng cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình, từ sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường đến nỗ lực định hình chính trị ở Australia, đảo Đài Loan hay các quốc gia khác trên khắp thế giới.
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc thực tế đang không ngừng gia tăng khi họ trở thành siêu cường thứ hai thế giới và được tiếp thêm động lực từ khủng hoảng chính trị và chia rẽ ở Washington, cũng như việc Mỹ thất bại trong nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19.
Việc Trung Quốc chuẩn bị tung ra loại vaccine do nước này tự sản xuất với lời hứa hẹn xuất khẩu hàng trăm triệu liều ra nước ngoài, bao gồm cả những nước đang phát triển, càng khiến ảnh hưởng của họ được củng cố.
Việc mô hình dân chủ Mỹ xuất hiện nhiều rạn nứt dưới thời Trump cũng là cơ hội công kích và chế giễu của Trung Quốc. Tối 6/1, sau khi những người biểu tình xâm chiếm tòa nhà quốc hội Mỹ, Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài viết với tiêu đề "Người dùng mạng Trung Quốc chế nhạo bạo loạn tại Đồi Capitol là 'nghiệp chướng', nói rằng bong bóng 'dân chủ và tự do' đã vỡ".
Bài viết tổng hợp các bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc về cuộc bạo loạn tại Mỹ, song tập trung chủ yếu vào cái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép" của Washington.
Những bài viết khác do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải còn so sánh bạo loạn ở Đồi Capitol với cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong năm 2019.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại so sánh này với bình luận: "Rất nhiều người đang nghĩ rằng đây là một kịch bản lặp lại".
"Tôi nghĩ một số người ở phía Mỹ có cách phản ứng và từ ngữ rất khác về những gì đã xảy ra ở Hong Kong năm 2019 với những gì đang xảy ra ở Mỹ", bà cho biết thêm.
Kiểm soát chặt chẽ Hong Kong vốn là mục tiêu lâu nay của Trung Quốc, nhưng nó luôn gặp thách thức bởi sự can thiệp từ phía Mỹ. Mục tiêu này giờ đây trở nên dễ dàng hơn khi Mỹ đang suy yếu trên trường quốc tế và mất dần uy tín trong mắt các đồng minh, bình luận viên James Griffiths từ CNN đánh giá.
Trong chiến dịch tranh cử, Biden và Trump cùng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng Tổng thống đắc cử nhiều khả năng sẽ hướng đến thiết lập lại quan hệ với Bắc Kinh sau khi nhậm chức. Nhưng còn hai tuần nữa mới đến ngày Biden tuyên thệ và hiện thế giới vẫn phải chờ để xem liệu hỗn loạn ở Washington có thể giúp Bắc Kinh theo đuổi thêm những mục tiêu dài hạn nào khác, theo Griffiths.
Vũ Hoàng (Theo CNN)