Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân chỉ trích cách tiếp cận của Washington với Bình Nhưỡng, cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên "leo thang tới mức như ngày nay chủ yếu do chính sách của Mỹ" và kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 8/6.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva cũng kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nói rằng Triều Tiên cần viện trợ nhân đạo nhiều hơn và phương Tây nên chấm dứt đổ lỗi cho nước này gây căng thẳng.
Phó đại sứ Mỹ Jeffrey DeLaurentis bác bỏ cáo buộc, khẳng định các biện pháp trừng phạt hiện tại và đề xuất bổ sung là cách trực tiếp đáp trả những hành động mà Triều Tiên đã làm.
"Chúng tôi muốn đối thoại với Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết. Chúng tôi đã thể hiện mong muốn này qua nhiều kênh cá nhân, bao gồm thông điệp từ các quan chức cấp cao Mỹ tới giới chức lãnh đạo Tiều Tiên", ông nói.
Washington cho rằng Bình Nhưỡng đang sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân, sau hàng loạt đợt phóng tên lửa đạn đạo bị cáo buộc vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Triều Tiên Kim Song bảo vệ các cuộc thử nghiệm quân sự bằng cách nhấn mạnh Hiến chương Liên Hợp Quốc có quy định "mọi quốc gia đều có quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể".
Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng các vụ thử vũ khí của Triều Tiên thể hiện "sự coi thường các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế".
Phiên họp ngày 8/6 mang tính bước ngoặt vì đây là lần đầu tiên các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an phải giải thích lý do sử dụng quyền phủ quyết theo nghị quyết được Đại hội đồng thông qua ngày 26/4.
Quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an được sử dụng lần đầu năm 1946. Liên Xô và Nga đã sử dụng 144 lần, Mỹ 86 lần, Anh 30 lần, Trung Quốc 19 và Pháp 18 lần.
Hồng Hạnh (Theo AFP)