Vài tuần gần đây, Ấn Độ đã kêu gọi Mỹ giải phóng kho dự trữ vaccine AstraZeneca, loại vaccine Covid-19 mà Washington thậm chí chưa cấp phép sử dụng, đồng thời gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu 37 nguyên liệu thiết yếu cho quá trình sản xuất vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, phản hồi chậm chạp ban đầu của Mỹ trong việc hỗ trợ, giữa lúc Ấn Độ "tan hoang" vì làn sóng Covid-19 thứ hai thảm khốc, đã khiến cảm tình dành cho Washington tại quốc gia Nam Á dần trở nên lạnh nhạt. Cộng đồng người gốc Ấn tại Mỹ, với quy mô khá lớn và bao gồm cả tỷ phú công nghệ Vinod Khosla, thậm chí đã tự giải quyết và bắt đầu vận động hành lang.
"Với việc tích trữ vaccine và chặn xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất vaccine, Mỹ đang phá hoại quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chẳng lẽ họ đã quên Ấn Độ từng gỡ lệnh cấm xuất khẩu và chuyển cho họ 50 triệu viên hydroxychloroquine hồi năm ngoái?", Milind Deora, chính trị gia từ thành phố Mumbai, một trong những nơi bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất tại Ấn Độ, viết trên Twitter hôm 24/4.
Sau hàng loạt chỉ trích, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris, một người gốc Ấn, hai ngày qua đã cam kết hỗ trợ Ấn Độ bằng cách xóa mọi rào cản xuất khẩu nguyên liệu thô cho vaccine Covid-19, đồng thời cung cấp thuốc điều trị, dụng cụ xét nghiệm, máy thở, đồ bảo hộ và viện trợ tài chính.
Tuy nhiên, ngoài cam kết hỗ trợ từ Mỹ và nhiều quốc gia khác, Ấn Độ còn nhận được đề nghị giúp đỡ từ Trung Quốc, nước láng giềng lâu nay căng thẳng với họ về vấn đề biên giới. "Chính phủ và người dân Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ phía Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ theo nhu cầu của Ấn Độ và đang liên lạc với phía Ấn Độ về vấn đề này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu hôm 23/4.
Tuy nhiên, New Delhi vẫn im lặng trước đề nghị giúp đỡ của Bắc Kinh. Giới phân tích cho hay thái độ thận trọng này phản ánh tâm lý phổ biến của công chúng Ấn Độ, rằng Trung Quốc không chân thành với họ.
"Luôn có một chính sách ngầm đằng sau cách tiếp cận của Bắc Kinh trong những vấn đề như vậy. Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến Ấn Độ rằng Mỹ, nước ban đầu đã quay lưng với họ, không phải một đối tác đáng tin cậy, gây chia rẽ quan hệ tốt đẹp giữa New Delhi và Washington", cựu ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal, người từng hoạt động trong ngành ngoại giao gần 5 thập kỷ, nhận định.
Trên thực tế, tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây liên tục chỉ trích Mỹ không cung cấp viện trợ cho Ấn Độ, lập luận rằng Washington không phải đối tác đáng tin cậy của New Delhi, bất chấp việc hai nước ngày càng xích lại gần nhau trong năm qua để chống lại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh người dân Ấn Độ gia tăng ác cảm với Trung Quốc do căng thẳng biên giới, Ashok Sajjanhar, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, cho rằng New Delhi sẽ phải cân nhắc mọi động thái với Bắc Kinh một cách cẩn thận.
"New Delhi phải lưu ý tình hình dư luận. Ấn Độ sẽ rơi vào bẫy của Trung Quốc nếu chấp nhận đề nghị giúp đỡ, bởi Bắc Kinh luôn nhắm tới mục tiêu chi phối về địa chính trị. Việc hỗ trợ Ấn Độ trong cơn khủng hoảng thể hiện góc nhìn này", Sajjanhar đánh giá.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 26/4 nhắc lại đề nghị hỗ trợ Ấn Độ nếu họ có nhu cầu, đồng thời kêu gọi các đồng minh cùng nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) với Ấn Độ, bao gồm Mỹ, Nhật và Australia, ra tay giúp đỡ.
Cũng trong ngày hôm đó, hãng hàng không Sichuan Airlines của Trung Quốc quyết định ngừng mọi chuyến bay chở hàng trên 6 tuyến bay tới Ấn Độ, dù nước này đang rất cần nguồn vật tư y tế, đặc biệt là máy tạo oxy, mua từ Trung Quốc để đối phó đại dịch.
Đề cập đến quyết định của Sichuan Airlines, ông Uông cho biết đây là những thỏa thuận riêng giữa các doanh nghiệp. Sichuan Airlines sau đó cho hay họ đang thảo luận về kế hoạch mới để đảm bảo dịch vụ vận chuyển hàng đến Ấn Độ.
Mặc dù nhận thức được những mục tiêu sâu xa của Bắc Kinh, cựu ngoại trưởng Sibal lại cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc. "Thực tế là chúng tôi vẫn duy trì giao thương với họ và mua nhiều sản phẩm", ông giải thích.
Jerome Kim, tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc, cũng nhận định rằng Ấn Độ nên dùng đến sự trợ giúp của Trung Quốc để giải quyết tình trạng thiếu vaccine. "Đây là cơ hội để hai nước láng giềng giúp đỡ nhau. Tôi nghĩ việc này không chỉ góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh, mà còn là dịp để hai bên hàn gắn", Kim nêu ý kiến.
Gần 9% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và mới chỉ 1,6% dân số được tiêm đầy đủ. Trong khi đó, nguồn vaccine của Ấn Độ cạn kiệt sau khi chuyển hàng chục triệu liều cho những nước khác như một phần nỗ lực ngoại giao vaccine.
Giới phân tích nhận định động thái gấp rút hỗ trợ Ấn Độ của Mỹ là một cách cứu vãn tình hình, bởi Washington có lẽ nhận thức rõ rằng New Delhi "là người bạn duy nhất có khả năng kìm chân Bắc Kinh trên bàn cờ địa chính trị châu Á đầy biến động", theo một quan chức Ấn Độ cấp cao giấu tên.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội cũng chỉ ra rằng Mỹ không chịu trách nhiệm cho việc Covid-19 bùng phát dữ dội tại Ấn Độ. Suhasini Haider, biên tập viên tờ The Hindu, còn đánh giá việc người dân Ấn Độ lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ cho thấy sự thiếu vắng vai trò của chính phủ nước này.
Cựu ngoại trưởng Sibal nhắc lại cuộc họp thượng đỉnh hôm 12/3 của nhóm Bộ Tứ, khi Mỹ, Nhật và Australia cam kết tài trợ hơn 200 triệu USD để giúp các công ty Ấn Độ tăng cường năng lực sản xuất, với mục tiêu cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho đến cuối năm 2022.
"Trong bối cảnh này, nếu chính quyền Biden không giúp Ấn Độ sản xuất vaccine, Mỹ sẽ bị coi là nuốt lời và giảm uy tín nghiêm trọng với tư cách lãnh đạo toàn cầu", Sibal nói.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)