Sau khi lệnh cấm được áp dụng từ hồi tháng 2, để nguồn cung nguyên liệu thô chỉ dành cho các hãng vaccine Mỹ, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden rút lại quyết định, bởi rào cản này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của các nhà sản xuất vaccine Ấn Độ.
Đáp lại, Washington dường như cố gắng chứng minh rằng người dân Mỹ nên được ưu tiên trước hết về vaccine Covid-19. "Việc tiêm chủng cho người Mỹ không chỉ vì lợi ích của chúng tôi, mà còn vì phần còn lại của thế giới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 22/4.
Price giải thích rằng chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ đang được tiến hành tốt và Mỹ có một số lý do để cấm xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất vaccine. "Đầu tiên, chúng tôi chịu trách nhiệm đặc biệt với người dân Mỹ. Thứ hai, Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, với hơn 550.000 người chết và hàng chục triệu ca nhiễm", ông phát biểu.
Bình luận viên Santosh Chaubey của CNN-News18 nhận định Mỹ đúng là quốc gia bị Covid-19 tàn phá nặng nề nhất, nhưng tốc độ lây lan "như cháy rừng" trong làn sóng đại dịch thứ hai tại Ấn Độ cũng đặt ra thách thức nghiêm trọng khó có thể phớt lờ.
Theo dữ liệu từ trang web nghiên cứu Our World in Data, số ca nhiễm nCoV tích lũy trung bình 7 ngày tại Ấn Độ hiện nay là khoảng 3 triệu, mức cao nhất thế giới và gấp 5 lần con số khoảng 60.000 ca của Mỹ và Brazil. Đây là ba vùng dịch lớn nhất thế giới.
Xét về số người chết vì Covid-19, Ấn Độ đã chứng kiến mức tăng 162,45% trong vòng hai tuần, trong khi Mỹ giảm 22% và Brazil giảm 6,44%, theo dữ liệu có sẵn mới nhất.
Chaubey còn bàn luận về quan điểm "vì phần còn lại của thế giới" mà Washington đưa ra. Trong khi Mỹ hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt khi tiêm chủng là cách duy nhất giúp họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng, Ấn Độ vẫn cố gắng cung cấp vaccine cho các nước khác.
Ấn Độ đã chuyển 50.000 liều vaccine Covid-19 cho Albania vào ngày 16/4. Trước đó từ ngày 10/4 đến 16/4, trong khuôn khổ sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng dẫn dắt, Ấn Độ cũng cung cấp hơn 1,3 triệu liều vaccine cho 8 quốc gia, bao gồm Syria.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ Mỹ. Lệnh cấm xuất khẩu dẫn đến những "cảnh báo đỏ" trong các dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ, khiến họ buộc phải giảm năng suất.
"Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vậy làm sao Mỹ có thể phủi tay bằng cách nói rằng họ đã cam kết góp 4 tỷ USD cho Covax, trong khi không tạo điều kiện để Ấn Độ sản xuất những lô vaccine cần được đưa tới các nước nghèo theo khuôn khổ của sáng kiến này chứ?", bình luận viên Chaubey đặt câu hỏi.
Theo Chaubey, Mỹ chỉ tập trung vào những ưu tiên nội bộ, trong khi đáng lẽ có thể cố gắng cân bằng giữa mối lo ngại trong nước và các nghĩa vụ nhân đạo quốc tế như Ấn Độ. "Để tăng cường sản xuất vaccine trong nước, Mỹ đã chọn cách dễ dàng nhất là cắt giảm nguồn nguyên liệu thô mà thế giới cũng trông ngóng", bình luận viên này cho hay.
Hơn nữa, Mỹ bị coi là quốc gia đang tích trữ vaccine Covid-19 nhiều nhất thế giới. Nguồn cung vaccine tại nước này hiện vượt quá nhu cầu ở nhiều vùng nông thôn và thành phố lớn, khiến nhiều nơi không thể dùng hết số liều được cấp. Kho vaccine của Mỹ hiện nay được cho là có thể giúp đỡ Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác đang tha thiết cần chúng.
Đợt bùng phát dịch bệnh kinh hoàng khiến Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, lại rơi vào cảnh trớ trêu là có khả năng thiếu vaccine Covid-19, ít nhất là trong một tháng. Điều này được thể hiện qua những động thái gần đây của chính phủ Ấn Độ, như vội vã thay đổi quy định để có thể nhập khẩu vaccine, dù trước đó từng khước từ vaccine ngoại.
"Chúng tôi hy vọng và xin mời các nhà sản xuất vaccine Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và những hãng khác sẵn sàng đến Ấn Độ càng sớm càng tốt", Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao của chính phủ, phát biểu hôm 13/4. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga từ tháng này.
Chaubey cho rằng những việc Mỹ có thể làm cho Ấn Độ, đồng minh thuộc nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) của họ, bao gồm gỡ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô để tạo điều kiện tăng tốc sản xuất vaccine và chuyển nguồn dự trữ vaccine dư thừa cho Ấn Độ.
Sau khi Washington hứng một loạt chỉ trích vì tích trữ vaccine và chặn nguồn nguyên liệu thô, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 25/4 tuyên bố họ sẽ nhanh chóng tăng cường hỗ trợ cho Ấn Độ.
"Trái tim của chúng tôi hướng về người dân Ấn Độ giữa đợt bùng phát Covid-19 kinh hoàng. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong chính phủ Ấn Độ và sẽ nhanh chóng triển khai hỗ trợ thêm", Blinken viết trên Twitter.
Tổng thống Biden cũng tuyên bố Mỹ "quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ trong thời điểm cấp thiết", bằng cách ngay lập tức cung cấp nguyên liệu sản xuất vaccine, phương pháp điều trị, xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo hộ.
Ánh Ngọc (Theo News18)