Ứng dụng WhatsApp có vô số tin nhắn về đại dịch, hoặc câu chuyện về bạn bè hay người thân bị nhiễm nCoV, cũng như nhiều bài đăng thể hiện sự phẫn nộ về cách chính phủ thất bại trong việc bảo vệ người dân. Bệnh viện này hết giường, bệnh viện khác cạn nguồn oxy, trong khi chính phủ chưa tìm ra được biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đợt bùng phát tồi tệ mới.
13 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch tấn công, chính phủ Ấn Độ vẫn tê liệt trước đại dịch. Trong khi nhiều nước khác đạt thành tựu với chiến dịch tiêm chủng, New Delhi vẫn "giậm chân tại chỗ", nhìn làn sóng Covid-19 thứ hai và thậm chí thứ ba tấn công.
Ấn Độ những ngày qua đều ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất thế giới kể từ khi Covid-19 bùng phát. Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát Covid-19 cuối năm 2019, tổng số ca nhiễm chưa tới 100.000. Đợt bùng phát tồi tệ này khiến nhiều người nghi vấn đây là do loại biến chủng mới hay thất bại của chính phủ trong việc kiểm soát các hoạt động xã hội, trong đó có cuộc hành hương Kumbh Mela của ba triệu người, và tiêm chủng cho người dân.
Vijay Prashad, nhà phân tích của AlterNet, nhận định vấn đề cốt lõi nằm ở thất bại của chính phủ Ấn Độ.
"Một cái nhìn thoáng qua trên khắp thế giới cho thấy những chính phủ bỏ qua cảnh báo của WHO đều phải gánh chịu sự tàn phá tồi tệ của Covid-19", Vijay Prashad viết.
Từ tháng 1/2020, WHO đã yêu cầu các chính phủ coi trọng quy tắc vệ sinh cơ bản, như rửa tay, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, sau đó khuyến nghị xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly. Bộ khuyến nghị đầu tiên không yêu cầu nguồn lực quá lớn. Nhiều nước đã theo sát khuyến nghị đó và nhanh chóng làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Ấn Độ tỏ ra chậm chạp, bất chấp nhiều dấu hiệu cho thấy Covid-19 rất nguy hiểm. Tới ngày 10/3/2020, trước khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, chính phủ Ấn Độ báo cáo khoảng 50 ca nhiễm, với số ca nhiễm tăng gấp đôi trong vòng 14 ngày. Hành động lớn đầu tiên của chính phủ Ấn Độ là lệnh giới nghiêm dài 14 tiếng ngày 22/3.
Lệnh mới của Thủ tướng Narendra Modi, được thông báo trước bốn tiếng, đã khiến hàng trăm nghìn người vội vã lên đường về quê và không ít người đã mang theo virus về thị trấn hoặc ngôi làng của họ.
Thủ tướng Modi được cho đã xem thường đại dịch, khi ông kêu gọi người dân thắp nến và đập chậu để tạo tiếng ồn xua đuổi virus. Lệnh phong tỏa sau đó được gia hạn, nhưng được thực hiện không có hệ thống và người dân không thể tìm kiếm được thông tin về chính sách trên các trang web của chính phủ. Vào tháng 5 và tháng 6 năm ngoái, chính phủ tiếp tục gia hạn phong tỏa, dù điều này dường như vô nghĩa với hàng triệu người thuộc tầng lớp lao động Ấn Độ, những người phải đi làm để có thể sống sót qua ngày với đồng lương ít ỏi.
Hơn một năm sau đại dịch, Ấn Độ báo cáo gần 17 triệu ca nhiễm và hơn 192.000 ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, Vijay Prashad lo ngại con số thực tế có thể lớn hơn số liệu được công bố.
Prashad cho rằng đại dịch của Ấn Độ trở nên tồi tệ một phần do ảnh hưởng tiêu cực của việc tư nhân hóa lĩnh vực y tế và hệ thống y tế công không được đầu tư. Trong nhiều năm qua, những người ủng hộ hệ thống y tế công đã kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn và giảm phụ thuộc vào hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên lợi nhuận. Tuy nhiên, những lời kêu gọi này đều không mang lại kết quả.
Ngân sách cho y tế của chính phủ Ấn Độ rất thấp, chỉ khoảng 3,5% GDP năm 2018, mức được giữ nguyên từ nhiều thập kỷ nay. Chi tiêu y tế bình quân đầu người là 275,13 USD năm 2018, tương đương Kiribati, Myanmar và Sierra Leone. Đây được đánh giá là mức quá thấp đối với một quốc gia lớn có tiềm năng về công nghiệp như Ấn Độ.
Cuối năm 2020, chính phủ Ấn Độ thừa nhận nước này chỉ có trung bình 0,8 bác sĩ và 1,7 y tá chăm sóc sức khỏe cho mỗi 1.000 người dân. Không quốc gia nào có quy mô và giàu có tương đương Ấn Độ có tỷ lệ nhân viên y tế thấp như vậy. Ngoài ra, Ấn Độ cũng chỉ có 5,3 giường cho mỗi 10.000 người, trong khi Trung Quốc là 43,1. Số giường chăm sóc đặc biệt cho mỗi 100.000 người Ấn Độ là 2,3 và số máy thở là 48.000. Trong đó, riêng tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc đã có 70.000 máy thở.
Sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng y tế phần lớn là do tư nhân hóa, trong đó các bệnh viện tư vận hành dựa trên nguyên tắc công suất tối đa và không có khả năng xử lý số lượng bệnh nhân quá lớn lúc cao điểm. Nguyên tắc tối ưu hóa không cho phép hệ thống này đối phó với sự gia tăng lớn bất ngờ, vì trong thời điểm bình thường, họ đã hoạt động tối đa công suất. Không có bệnh viện tư nào tự nguyện tăng thêm số giường hoặc máy thở đề phòng.
Ngân sách cho y tế thấp cũng đồng nghĩa đầu tư cho cơ sở hạ tầng y tế ít và tiền lương của nhân viên y tế thấp. Chính những điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế Ấn Độ giữa đại dịch, theo Prashad.
Thiếu hụt là vấn đề bình thường trong bất kỳ xã hội nào, nhưng tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế cơ bản ở Ấn Độ trong đại dịch là điều đáng xấu hổ.
Ấn Độ từ lâu được xem "hiệu thuốc của thế giới", nhờ ngành công nghiệp dược phẩm lớn thứ ba trên toàn cầu. Ấn Độ chiếm 60% sản lượng vaccine toàn cầu, bao gồm 90% lượng vaccine sởi mà WHO sử dụng. Ấn Độ cũng là trở sản xuất thuốc lớn nhất cho thị trường Mỹ.
"Nhưng tất cả điều này không giúp ích gì cho Ấn Độ trong cuộc khủng hoảng hiện tại", Prashad nhận định.
Vaccine Covid-19 không có sẵn cho người dân Ấn Độ để bắt kịp tốc độ tiêm chủng. Prashad cho rằng quốc gia này khó có thể hoàn thành chương trình tiêm chủng trước tháng 11/2022. Chính sách mới của chính phủ cho phép các nhà sản xuất vaccine tăng giá, nhưng tốc độ sản xuất không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu.
Ấn Độ hiện cũng không có đủ oxy cho bệnh nhân. Chính phủ Ấn Độ trước đó xuất khẩu oxy ngay cả khi rõ ràng nguồn dự trữ trong nước đang cạn kiệt.
Ngày 25/3/2020, Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 chỉ trong 18 ngày. Nhưng 56 tuần đã qua kể từ khi đó, Ấn Độ vẫn như "chiến trường"chết chóc, khi hàng nghìn người chết mỗi ngày, theo Prashad.
Thanh Tâm (Theo AlterNet)