Các công ty công nghệ sinh học chạy đua với thời gian để phát triển vaccine ngừa nCoV. Phần nhiều trong số 200 dự án vaccine trên khắp thế giới tập trung vào công nghệ mới, như RNA và DNA (công nghệ di truyền), vetor virus. Ngược lại, SinoVac, công ty sở hữu "ứng viên" tiềm năng nhất của Trung Quốc, lại đánh cược với phương pháp cũ đã được sử dụng hàng trăm năm.
Vaccine của hãng dựa trên mẫu nCoV bất hoạt, đưa vào cơ thể nhằm "đào tạo" hệ thống miễn dịch cách nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Về mặt thời gian, công ty đã đi trước hầu hết đối thủ cạnh tranh khác, bao gồm cả các "ứng viên" mới, chiếm ưu thế về tốc độ sản xuất. Sản phẩm của SinoVac đủ năng lực thương mại hóa nhanh chóng như vaccine từ hãng dược Mỹ Moderna hay nhóm nghiên cứu Đại học Oxford và AstraZeneca.
Về cơ bản, phương pháp này tương đối nguyên thủy, giống với cách thức điều chế mà Edward Jenner, nhà khoa học người Anh, cha đẻ ngành miễn dịch học, thực hiện ở thế kỷ 18. Ông đã sử dụng virus đậu mùa giảm độc lực từ bò để tạo ra vaccine ngăn ngừa căn bệnh này. Công nghệ chứng minh hiệu quả qua hàng trăm năm lịch sử y khoa, ít rủi ro hơn so với cách tiếp cận chưa được kiểm nghiệm.
Michael Kinch, chuyên gia về vaccine tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, nhận định: "Chúng ta cần tìm hiểu lịch sử, đừng quên về những gì đã đạt hiệu quả trong quá khứ. Không cần ‘đao to búa lớn' khi phương pháp đơn giản vẫn cho ra kết quả tương tự".
Các phương pháp tiếp cận mới thường tập trung vào việc tái tạo protein gai, thành phần quan trọng trên bề mặt giúp virus xâm nhập vào tế bào người. Dữ liệu cho thấy nếu hệ miễn dịch có thể ngăn chặn các protein đó, mầm bệnh sẽ ngừng hoạt động hoặc giảm khả năng tấn công.
Song một số nhà khoa học chỉ ra rằng việc để cơ thể tiếp xúc với hầu hết các loại virus đôi khi là sự lựa chọn hợp lý hơn. Nó giúp hệ miễn dịch nhận diện tất cả những mục tiêu tiềm năng và quyết định các "đối thủ" dễ đánh bại nhất.
Theo William Haseltine, chuyên gia về AIDS, chủ tịch tổ chức Access Health International, lợi thế của vaccine từ virus bất hoạt là "đưa các loại protein đa dạng vào cơ thể".
"Phần nhiều trong số đó có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, đủ khả năng kích thích cả tế bào T ("sát thủ" đặc trị từng mầm bệnh) chứ không chỉ kháng thể", ông nói.
Ưu thế khác đến từ thời gian sản xuất và phân phối. Khi vaccine mRNA chưa từng được chứng minh về độ an toàn và hiệu quả trên người, các nhà sản xuất Trung Quốc đã có hàng chục năm kinh nghiệm đối với các liều tiêm bất hoạt. Loại vaccine này không cần trữ đông. Đây được coi là lợi ích đáng kể cung cấp cho các vùng nông thôn, nơi khả năng bảo quản còn nhiều hạn chế.
Yin Weidong, chủ tịch SinoVac, cho biết công ty bắt đầu xem xét lựa chọn phương pháp phát triển vaccine kể từ đầu năm nay, khi đại dịch mới bùng phát.
Để tạo ra virus bất hoạt, các nhà khoa học đã thu thập mẫu bệnh phẩm từ nhiều người mắc Covid-19 trên toàn thế giới, nuôi cấy và nhân bản chúng trong tế bào thận khỉ. Tiếp đến, họ sử dụng hoá chất để bất hoạt virus và tinh chế nó thành dịch tiêm. Thử nghiệm bắt đầu với chuột nhắt, chuột cống, linh trưởng và sau đó là ở người.
Công ty đang chờ đợi dữ liệu của nghiên cứu giai đoạn cuối, với 9.000 tình nguyện viên Brazil, để xác định độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm khi tiêm chủng quy mô lớn. Nếu thành công, SinoVac có kế hoạch sản xuất ít nhất 300 triệu liều tiêm mỗi năm.
Chính phủ Trung Quốc đã xác định việc phát triển vaccine nhanh chóng là một phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị lâu dài hậu đại dịch. Đây cũng là cơ hội chứng tỏ các công ty công nghệ sinh học nội địa không kém cạnh những đối thủ cạnh tranh lớn mạnh nhất trên thế giới.
Cơ quan quản lý Bắc Kinh tiến hành theo dõi nhanh các đề án cần phê duyệt, chấp thuận tiêm phòng thử nghiệm trên người với tốc độ chưa từng có bằng cách cho phép các nhà phát triển gửi dữ liệu thu thập ngay trong thời gian nghiên cứu, thay vì khi kết thúc toàn bộ công trình như bình thường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ chia sẻ tất cả các vaccine "ứng viên" thành công trên toàn cầu, bày tỏ thiện chí với các nước đang phát triển.
Ngày 28/8, thế giới ghi nhận hơn 24 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 800.000 trường hợp tử vong. Covid-19 có dấu hiệu suy yếu, song vẫn diễn biến khó lường. Các nhà khoa học đều đồng tình vaccine có thể là phương pháp duy nhất giúp thế giới thoát khỏi đại dịch đã kéo dài hơn 8 tháng.
Thục Linh (Theo Bloomberg)