Vaccine mới có tên gọi "EpiVacCorona". Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 26/8, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết vaccine do Viện Virus học Vector ở Siberia phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9.
"Đến nay, không có biến chứng xảy ra ở những tình nguyện viên tiêm chủng giai đoạn đầu và giai đoạn hai", bà nói.
Lần thử nghiệm đầu tiên đối với EpiVacCorona được thực hiện trên 57 tình nguyện viên, trong khi 43 người khác dùng giả dược. Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Liên bang về Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Sức khỏe Con người, vaccine tạo phản ứng miễn dịch sau hai mũi tiêm, cách nhau từ 14 đến 21 ngày.
Đầu tháng này, Nga trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép chính thức vaccine Covid-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Vaccine "Sputnik V" được cho là đủ an toàn và hiệu quả để chủng ngừa đại trà.
Cũng trong ngày 26/8, Quỹ đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết giai đoạn cuối của nghiên cứu lâm sàng Sputnik V, gọi là thử nghiệm hậu phê duyệt, đã bắt đầu. Khoảng 40.000 người sẽ tham gia cuộc "đại tiêm chủng" này. Các thử nghiệm tương tự cũng được tiến hành ở 5 quốc gia khác.
Đến nay, toàn thế giới có hơn 135 loại vaccine đang được phát triển, trong đó 8 "ứng viên" đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Các sản phẩm thuộc về Anh, Mỹ, Trung Quốc và Đức. Hai loại vaccine đã được cấp phép sử dụng đại trà và khẩn cấp là Sputnik V của Nga và Ad5 của Trung Quốc.
Trên thực tế, dù các loại vaccine an toàn và hiệu quả được phê duyệt trong thời gian tới, khâu sản xuất và phân phối vẫn còn là thách thức lớn. Quá trình này có thể mất tới vài năm do nguồn cung ban đầu hạn chế.
Hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố vaccine ngừa nCoV sẽ được phân phối một cách công bằng khi hoàn thiện. Chương trình tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX), do WHO đứng đầu, đặt mục tiêu phân phối hai tỷ liều tiêm vào cuối năm 2021, đảm bảo ngay cả các nước nghèo cũng được tiếp cận sản phẩm.
Thục Linh (Theo Reuters)