Tại một nhà máy ở thành phố Từ Châu - Trung Quốc, 100 công nhân vừa được thuê thêm để sản xuất cần cẩu xây dựng khổng lồ. Gần đó, tại nhà máy ngổn ngang khác, nhân viên làm việc đến nửa đêm để lắp ráp máy khoan và đào hầm. Cách không xa, một nhà máy sản xuất xe ben đã đủ đơn hàng cho năm tới.
Các nhà máy này đều thuộc Tập đoàn máy móc xây dựng Từ Châu (XCMG) - một tập đoàn công nghiệp nhà nước chuyên sản xuất các máy móc phục vụ cho sự bùng nổ xây dựng mới nhất của Trung Quốc.
Nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất Trung Quốc này là trung tâm của chiến lược Bắc Kinh, nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch, bằng cách lập lại chiến lược từng sử dụng. Đó là đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc dường như đã kiểm soát được Covid-19 trong biên giới của họ. Nhưng tình hình ở nước ngoài đã tổn hại đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này, bao gồm cả xe tải và máy móc sản xuất tại Từ Châu.
Thị trường nước ngoài đã giúp Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong 4 thập kỷ, nhưng giờ đây, họ phải quay lại làm ăn với một khách hàng địa phương, là chính họ. Một lần nữa, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, sử dụng hàng triệu lao động để xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, hệ thống nước thải mới và sản xuất các thiết bị cần thiết cho những dự án đó.
"Năm nay là một năm rất tệ đối với các hợp đồng ở nước ngoài và tôi không thể đi đâu", ông Vincent Cao, Giám đốc XCMG nói. Đồng thời ông cho rằng, dù có những hạn chế đó, kinh doanh vẫn đang bùng nổ. Đây là một năm tốt cho Trung Quốc.
Trên thực tế, chiến lược này dường như phát huy tác dụng. Các khoản đầu tư lớn đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên hồi phục sau khi dịch bùng phát, với sản lượng tăng 3,2% giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Trung Quốc hồi sinh ngay lúc châu Âu đang bị suy thoái mạnh hơn so với dự kiến ban đầu và kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Các chiến dịch đầu tư trước đây đã cung cấp cho Trung Quốc một số cơ sở hạ tầng tốt nhất trên thế giới, bao gồm cả tàu cao tốc nhanh nhất và cầu biển dài nhất. Nhưng cú hích mới nhất đang đi kèm với rủi ro, khiến Trung Quốc gặp khó khăn với những phần đang suy thoái còn lại của nền kinh tế.
Thực tế, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang được tài trợ với nhiều khoản nợ hơn. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, việc trả lãi cho tất cả khoản nợ đó có thể là lực cản cho tăng trưởng trong tương lai.
Ngoài ra, một số nhà kinh tế Trung Quốc cho biết, nước này không cần nhiều cụm từ phá kỷ lục mà thay vào đó sẽ được hưởng lợi từ các chương trình khiêm tốn, như xây dựng các tuyến cống thoát nước tốt hơn gần nhà của người dân. Vấn đề là các dự án cơ sở hạ tầng ít hấp dẫn này dù cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng ít mang lại vinh quang hay phần thưởng chính trị cho các quan chức địa phương.
"Ngành công nghiệp Trung Quốc đã phát triển mạnh bằng cách xây dựng các dự án hàng đầu của đất nước, chứ không phải bằng cách cải thiện các tuyến cống thoát nước trong khu phố". Wang Min, Chủ tịch XCMG nói và ông cho biết muốn tạo ra những cỗ máy lớn cho các dự án quy mô.
Do vậy, khi được thông báo về dự án nước thải ở Từ Châu, ông Wang không nhiệt tình. "Tất cả doanh nghiệp đều có thể sản xuất loại máy xúc này. Vì vậy, chúng tôi không thể có bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào. Tuy nhiên, xét về các máy đào quy mô lớn, XCMG có lợi thế", ông cho biết thêm.
Trong đợt phát triển cơ sở hạ tầng để đưa đất nước vượt cuộc khủng hoảng hơn thập niên trước, doanh số của XCMG đã tăng gấp 8 lần, từ năm 2008 đến năm 2010. Họ còn kiếm tiền từ việc xuất khẩu sang Venezuela và Nigeria.
Giờ thì nhiều nước đang vật lộn để trả nợ cho các ngân hàng nhà nước Trung Quốc và không thể mua thêm máy móc. Trung Quốc đã gần như đóng cửa hoàn toàn biên giới, khiến XCMG khó khăn trong xuất khẩu.
Nhưng Trung Quốc cũng đang hướng nội, xem xóa đói giảm nghèo là mục tiêu kinh tế hàng đầu của đất nước năm nay. Nhiều khu vực nghèo nhất của Trung Quốc là những ngôi làng hẻo lánh, và việc mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đến chúng đòi hỏi phải xây dựng cầu và đường hầm rộng lớn. Điều đó có nghĩa là cần nhiều thiết bị của XCMG.
Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi chi tiêu xây dựng gần nơi người dân sinh sống. Điều đó sẽ giúp dễ dàng hơn cho hàng triệu công nhân nông thôn đã mất việc làm tại các nhà máy sản xuất tìm công việc mới mà không di cư đến các thành phố xa xôi.
37 thành phố của Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng tổng cộng 150 tuyến tàu điện ngầm mới và XCMG đang sản xuất các thiết bị cần thiết cho một nửa trong số đó. Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc - nơi đã kết nối hơn 700 thị trấn và thành phố, đang mở rộng nhanh đến mức hàng năm họ mua số lượng thiết bị gấp ba lần so với thị trường châu Âu và châu Mỹ cộng lại.
Phục hồi kinh tế bằng cách đổ tiền vào cơ sở hạ tầng là cách làm ngược với hầu hết chính phủ phương Tây của Trung Quốc. Các nhà kinh tế phương Tây thường khuyên nên chuyển tiền trực tiếp đến người tiêu dùng thay vì xây dựng thêm đường sắt và đường cao tốc.
"Sẽ hiệu quả hơn nếu chi tiền cho người dân thay vì chi hai phần ba số tiền cho sắt thép, xăng dầu hay bất cứ thứ gì khác", Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét.
Một số chính quyền địa phương Trung Quốc từng thử nghiệm khởi động lại chi tiêu của người tiêu dùng bằng cách phát hành phiếu giảm giá và các khoản chi khác. Nhưng chính quyền trung ương sau đó đã bác bỏ ý tưởng, giục các tỉnh thành chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
Do đó, chính quyền địa phương đang vay rất nhiều để trả tiền xây dựng, thêm vào những khoản nợ khổng lồ trước đó. Các dự án ở vùng sâu vùng xa cũng có thể mang lại lợi nhuận kinh tế ít ỏi để trả nợ. Hàng chục nhà ga đường sắt cao tốc mới đã được xây dựng tại các thị trấn nhỏ, nơi rất thưa khách. Có những nhà ga ít hơn 3 chuyến tàu dừng lại mỗi ngày.
Tuy nhiên, tất cả công trình đó đều tốt cho việc kinh doanh của XCMG. Công ty hiện đang trên đà vượt qua John Deere để trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực này, chỉ sau Caterpillar và Komatsu. Ông Wang dự định công ty sẽ là đơn vị lớn nhất ngành trong 15 năm nữa. "Đây sẽ là giấc mơ của tôi", ông nói và cho rằng đó là mục đích của đời ông.
Tại Từ Châu, thành công của công ty có thể được nhìn thấy trong sự bùng nổ không ngừng của các nhà máy trực thuộc. Chỉ riêng nhà máy sản xuất cần cẩu đã lên kế hoạch sản xuất thêm 2 ngày chủ nhật mỗi tháng. Công nhân được gấp đôi lương vào ngày này.
Tuy nhiên, một phần khác của Từ Châu cũng như Trung Quốc không náo nhiệt như vậy. Người mua sắm và thợ sửa chữa từng chen chúc tại chợ vật liệu xây dựng thành phố. Vào một buổi chiều gần đây, nó hoàn toàn vắng vẻ ngoại trừ các nhà cung cấp. Shan Kehu, một nhân viên bán vữa nói rằng, những khách hàng duy nhất xuất hiện là những kẻ cơ hội, tìm cách tích trữ hàng hóa với giá giảm.
Các chợ đầu mối thực phẩm cũng thế. Cao Fang, một nhà cung cấp vật tư cho nhà hàng, phàn nàn rằng các quán ăn thực tế đã ngừng mua đồ dùng và đĩa. Tại một quầy bán hàng khác, một nửa số chuối đã quá chín để bán. "Đã khá hơn nhiều, nhưng vẫn chưa bằng mức độ bình thường trước đây", Xin Xiaoli, một người bán trái cây cho biết.
Phiên An (theo NYT)