Số liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (16/7) cho thấy GDP Trung Quốc đã tăng trở lại trong quý trước, khi các biện pháp phong tỏa chấm dứt và giới chức tích cực kích thích kinh tế để xoa dịu cú sốc từ đại dịch. Mức tăng 3,2% cũng cao hơn dự báo của giới phân tích trong khảo sát của Reuters.
Trước đó, GDP Trung Quốc giảm tới 6,8% quý I – lần đầu tiên kể từ năm 1992. Tính chung nửa năm đầu, nền kinh tế này tăng trưởng âm 1,6%.
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 4,8% trong tháng 6 so với năm ngoái. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp số liệu này đi lên.
Tuy nhiên, tiêu dùng vẫn còn yếu, với doanh số bán lẻ giảm 1,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp số liệu này đi xuống, trái ngược với dự báo là tăng 0,3%. Đầu tư vào tài sản cố định cũng giảm 3,1% trong nửa đầu năm so với năm ngoái.
Số liệu GDP các nước đang được theo dõi sát sao, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia vẫn đang vật lộn với Covid-19. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên bị đại dịch tác động và đang dần gượng dậy trong 2 tháng qua.
Dù vậy, đà phục hồi vẫn chưa đồng đều, cả trong chính nước này lẫn trên thế giới. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm thứ Hai cho biết họ vẫn còn một cuộc chiến khó khăn ở phía trước. Số ca nhiễm tăng cao tại nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã bao phủ lên triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, thất nghiệp và lo ngại sức khỏe khiến người Trung Quốc ngại chi tiêu.
Giới chức Trung Quốc được kỳ vọng duy trì kích thích nửa cuối năm, bất chấp lo ngại về khối nợ tăng cao. Họ đã tung hàng loạt biện pháp, như chi tiêu công, giảm thuế, hạ lãi suất cho vay và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng để hỗ trợ việc làm cũng như hồi sinh nền kinh tế.
Hà Thu (theo Reuters)