Hôm thứ năm (16/7), Trung Quốc công bố GDP quý II/2020 tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ 2019. Con số này vượt dự báo của các nhà kinh tế và là bằng chứng cho thấy các nỗ lực tích cực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế đại dịch, "đau đớn" trong ngắn hạn nhưng đã bắt đầu khôi phục niềm tin kinh doanh dài hạn.
"Trung Quốc là nước đầu tiên rơi vào khó khăn và cũng là người đầu tiên thoát khỏi. Giai đoạn khó nhất của họ là quý đầu năm và sau đó phục hồi mạnh mẽ vào quý hai", Zhu Haibin, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của J.P. Morgan tại Hong Kong, nhận xét rằng "hồi phục sẽ tiếp tục nhưng đà sẽ yếu hơn".
Quyết định của Bắc Kinh về dừng hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 1 đã gây ra làn sóng chấn động kinh tế trong nước. Trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 6,8%, đánh dấu quý tệ nhất kể từ giữa thập niên 1970, khiến các nhà hoạch định chính sách quyết định bỏ mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Nhưng ván cược này đã có tác dụng. Kể cả khi Mỹ chật vật, GDP quý II của TQ tăng mạnh đã giúp họ tránh suy thoái (vì suy thoái là 2 quý giảm GDP liên tiếp). Mức tăng 11,5% GDP quý II so với quý I cũng giúp thu hẹp mức giảm nửa đầu năm nay xuống còn 1,6%. Sản lượng công nghiệp tháng 6 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện so với mức tăng 4,4% tháng trước đó.
Xuất khẩu là một điểm sáng, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đang phải vật lộn với đại dịch. Do các nhà máy tại Trung Quốc trở lại hoạt động trước các quốc gia xuất khẩu khác nên các doanh nghiệp nước này có thể lấp đầy khoảng trống trong nguồn cung toàn cầu và mở rộng thị phần.
Đối với các công ty nước ngoài có hoạt động trong và ngoài Trung Quốc, sự tương phản là rất nổi bật. WD-40, nhà sản xuất dầu nhờn có trụ sở tại San Diego (Mỹ), cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý vừa qua tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các hoạt động tại Trung Quốc trở lại bình thường. Trong khi đó, tổng doanh số trên toàn thế giới giảm 14%.
Anders Nyström, CEO của Bulten AB, một nhà cung cấp ốc vít ôtô Thụy Điển, đã nói với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng khối lượng sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc đang quay lại mức trước đại dịch.
Theo ông Zhu Haibin, nhờ sự phục hồi ổn định và người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn khi ra ngoài một lần nữa, khả năng phục hồi doanh số bán lẻ và dịch vụ trong nước, nhất là với các gia đình có thu nhập cao.
Các nhà quản lý Trung Quốc cho biết hôm16/7 rằng họ sẽ bắt đầu cho phép các rạp chiếu phim ở những khu vực có nguy cơ thấp hơn bắt đầu mở cửa trở lại, với những hạn chế, sau nhiều tháng ngừng hoạt động.
Mặc dù có tín hiệu tích cực, các nhà kinh tế nhìn thấy một số điểm đáng lưu tâm trong dữ liệu. Trong khi các nhà máy đang hoạt động trở lại và tiền đầu tư đang chảy vào nền kinh tế, người tiêu dùng Trung Quốc, một thành phần quan trọng hơn nhiều của nền kinh tế so với những lần suy thoái trước, cho đến nay vẫn đóng chặt ví tiền.
Doanh số bán lẻ đã giảm mỗi tháng trong năm nay và trong tháng 6 tiếp tục giảm 1,8% so với một năm trước đó. Điều này phản ánh những lo ngại kéo dài về sức khỏe cộng đồng và mất thu nhập trong giai đoạn khó khăn nhất từ tháng 1 đến tháng 4/2020.
Nhiều tuần lũ lụt lan rộng ở miền trung và miền nam Trung Quốc đã khiến hàng trăm triệu người Trung Quốc khó khăn. Trong khi đó, nguy cơ bùng phát dịch vẫn rình rập sau khi có ổ dịch mới xuất hiện ở Bắc Kinh và Hong Kong. Nhà hàng, khách sạn và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ khác gặp khó trong việc phục hồi, theo bà Liu Aihua, Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết hôm thứ năm (16/7).
Thu nhập khả dụng thực tế của một công dân Trung Quốc trung bình giảm 1,3% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ, sau khi tăng 5,8% vào năm 2019. Kết quả là chi tiêu thực tế bình quân đầu người giảm 9,3% trong nửa đầu năm trong khi cùng kỳ tăng 5,5%.
Dù tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc đã giảm xuống mức 5,7% trong tháng 6, từ mức 5,9% trong tháng 5, thị trường lao động vẫn là một mối lo ngại lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học trong độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 19,3% trong tháng 6, bà Liu nói.
Ngoài ra, rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc có thể đến từ Mỹ. Các quan chức cấp cao và các nhà lập pháp từ cả hai đảng lớn đang tăng cường chống lại Trung Quốc và áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thực thể Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Mỹ cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng kỷ lục về các trường hợp nhiễm Covid-19 ở một số bang lớn nhất, kéo dài thiệt hại kinh tế và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.
Lian Ping, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu đầu tư Zhixin, cho rằng các áp lực bên ngoài và nền kinh tế Mỹ là những thách thức lớn nhất đối với sự phục hồi của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. "Sự ổn định của nền kinh tế Mỹ đặt ra dấu hỏi lớn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc", ông Lian nói.
Zhang Yong, người điều hành một nhà máy đã hơn một thập kỷ xuất khẩu các công cụ trồng trọt và làm vườn cho Home Depot và Lowe's Cos đã cảm thấy bị ảnh hưởng từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra hai năm trước.
Nhưng đại dịch khiến tình hình còn tệ hơn. Các đơn đặt hàng từ Mỹ đã giảm khoảng 20% trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, với rất ít dấu hiệu phục hồi ngay cả khi một bang bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 6/2020.
"Dịch bùng phát ở Mỹ đã làm tổn thương nhu cầu của người tiêu dùng, khiến tôi thực sự lo lắng", ông Zhang cho biết. Nhà máy của ông nằm ở thành phố Đường Sơn, phía bắc Trung Quốc, với gần 200 lao động. "Tôi cảm thấy có trách nhiệm với công nhân của mình nhưng tôi không biết có thể bám trụ bao lâu", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)