Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) hôm nay tuyên bố khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá rượu vang nhập khẩu từ Australia, với các lô hàng rượu dưới hai lít sản xuất năm 2019. Cuộc điều tra cũng nhằm làm rõ ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp rượu Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2019.
Yêu cầu điều tra do Hiệp hội Đồ uống có cồn Trung Quốc đề xuất, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý xem xét 10 nhà sản xuất rượu của Australia, gồm Kho bạc Wine Estates, nhà sản xuất rượu vang Penfolds và Accolade.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Australia và Trung Quốc, sau khi Canberra kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc nCoV.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang hàng đầu của Australia, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch thương mại hai chiều trị giá 170 tỷ USD năm ngoái.
Trung Quốc hồi tháng 5 tuyên bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tới 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia cũng như cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của nước này với lý do không đáp ứng yêu cầu nhãn mác và chứng nhận nhập khẩu trong thời gian dài. Nước này còn cảnh báo sinh viên, khách du lịch Trung Quốc khi đến Australia vì cáo buộc phân biệt chủng tộc.
"Đây là diễn biến rất đáng thất vọng và khó hiểu", Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết trong một tuyên bố qua email. "Bắc Kinh cũng thông báo cho Australia rằng họ đang xem xét yêu cầu mở cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp. Rượu vang của Australia không được bán dưới giá thị trường và hàng xuất khẩu không được trợ cấp."
Hiệp hội Đồ uống có cồn Trung Quốc cáo buộc các nhà sản xuất rượu Australia đã phá giá trong những năm qua và đang chiếm thị phần từ các công ty trong nước, dẫn đến các công ty địa phương rơi vào suy thoái về điều kiện sản xuất và hoạt động.
Hiệp hội cho biết nhập khẩu rượu vang Australia của Trung Quốc đã tăng từ 5,67 triệu lít vào năm 2015 lên 12,08 triệu lít vào năm 2019. Thị phần rượu trong nước giảm từ 74,43% xuống còn 49,58% cùng kỳ. Các số liệu của Australia cũng cho thấy nước này bán nhiều rượu sang Trung Quốc hơn Pháp, với xuất khẩu đạt 795 triệu USD trong năm 2019-2020, chiếm 37% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc.
Tony Battaglene, giám đốc điều hành của công ty Australian Grape & Wine Inc, cho biết động thái điều tra của Trung Quốc đầy "bất ngờ" và có thể dẫn đến việc áp thuế đối với khoảng 1.200 nhà sản xuất rượu của Australia đang xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.
Australia từng khẳng định không đối đầu thương mại với Trung Quốc sau khi bị nước này áp thuế 80,5% với lúa mạch. Canberra cũng không coi những động thái hạn chế thương mại gần đây của Bắc Kinh là sự đáp trả việc Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19.
Mai Lâm (Theo Reuters)