Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước kêu gọi "các quốc gia tự do" hợp lực để chiến thắng điều mà ông gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc, Australia có lẽ là một trong những nước mà ông nghĩ tới trong đầu.
Tuần qua, Canberra làm rõ rằng họ sẽ không đứng về phía đồng minh hiệp ước của mình dù họ đã tham gia cùng Washington trong nỗ lực nhấn mạnh các lợi ích chung và đưa ra hàng loạt thông điệp chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Hai nước sẽ hợp tác trên cơ sở "các giá trị chung được chia sẻ" nhưng Australia có "quyết định của riêng mình", Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 28/7 nói sau khi bà và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds khép lại cuộc hội đàm thường niên với Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Đáng chú ý, Payne không ngần ngại che giấu kỳ vọng của Canberra về một mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất, trái ngược hoàn toàn quan điểm gần đây của Mỹ.
Mối quan hệ "chúng tôi có với Trung Quốc rất quan trọng và chúng tôi không có ý định làm tổn thương nó, nhưng chúng tôi cũng không định làm những việc đi ngược lợi ích của mình", Ngoại trưởng Australia cho hay.
Kết quả của Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Australia - Mỹ thường niên (AUSMIN) phản ánh mục tiêu cân bằng tinh tế mà Australia đang hướng tới khi họ phải đứng giữa hai cường quốc toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt là Mỹ và Trung Quốc.
Australia đang tỏ ra quyết đoán hơn khi phản ứng trước những hành động của Trung Quốc nhưng họ sẽ không quay ngoắt thái độ trong mối quan hệ với Bắc Kinh, James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc, nhận định. "Những yếu tố quan trọng của mối quan hệ song phương vấn ổn định. Đến nay, cả Canberra và Bắc Kinh đều vẫn khuyến khích người dân và doanh nghiệp hai bên hợp tác, coi đó như lợi ích của họ. Chừng nào điều này chưa thay đổi, lợi ích kinh tế vẫn sẽ thắng thế dù có những mớ hỗn độn ở nhiều khía cạnh khác".
Nhưng Hugh White, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng chính phủ Australia vẫn "chưa có định hướng rõ ràng" về cách ứng xử khi quan hệ Mỹ - Trung rơi vào thế đối đầu, dù Canberra từng khẳng định họ không ủng hộ "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Bắc Kinh".
"Phản bác lại viễn cảnh Chiến tranh Lạnh là một chuyện nhưng đưa ra cách tiếp cận thay thế rõ ràng lại là chuyện khác", White nói. "Australia dường như vẫn chỉ dựa vào niềm hy vọng rằng căng thẳng sẽ tự biến mất. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra".
Tại hội nghị AUSMIN, Canberra và Washington cam kết hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh mạng, y tế nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố "sự ổn định, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Không có những thông điệp kích động căng thẳng như của chính quyền Donald Trump nhưng tuyên bố chung sau hội nghị cũng chứa một số lời chỉ trích trực diện và quyết liệt nhất từ trước tới nay nhằm vào Bắc Kinh. Hai bên nhấn mạnh rằng vấn đề Tân Cương và luật an ninh quốc gia tại Hong Kong "làm xói mòn pháp quyền và suy yếu quyền tự do ngôn luận". Bên cạnh đó, những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn "vô hiệu theo luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên, Canberra lại không cam kết tăng cường tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Washington trong phạm vi 12 hải lý quanh những thực thể mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, bất chấp kêu gọi từ phía chính quyền Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds chỉ nói rằng vấn đề "đang được thảo luận". Bình luận của bà được đưa ra sau khi Canberra hồi tuần trước có bước ngoặt đáng kể trong chính sách đối ngoại khi họ, cùng với Washington, tuyên bố rằng hoạt động mở rộng của Bắc Kinh trên Biển Đông là bất hợp pháp.
"Australia và Mỹ có những lợi ích chung rất chặt chẽ khi đề cập đến vấn đề trật tự khu vực và chính sách của Trung Quốc nhưng những lợi ích này không hoàn toàn đối xứng", Ashley Townshend, giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện nghiên Cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, Australia, bình luận. "Đó là thực tế đã nhiều năm qua và sẽ không thay đổi trong tương lai".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia ngày 29/7 lên tiếng phản đối tuyên bố chung của AUSMIN vì "cáo buộc và công kích vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc vì những vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông".
Canberra, một đồng minh trung thành của Mỹ, những tháng gần đây bất đồng với Bắc Kinh vì hàng loạt vấn đề, trong đó có các cáo buộc về gián điệp và phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc ở Australia.
Nhưng cùng lúc, Canberra cũng phụ thuộc tương đối lớn vào Bắc Kinh khi mà 1/3 lượng xuất khẩu của Australia có điểm đến là Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 - 2019 đạt 168 tỷ USD.
Sự phụ thuộc kinh tế của Australia vào Trung Quốc càng được thể hiện rõ khi Trung Quốc hồi tháng 5 tăng thuế mạnh đối với thịt bò và lúa mạch Australia, dường như nhằm trả đũa việc nước này kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc khởi phát nCoV, được cho bắt nguồn từ Trung Quốc.
Alistair Nicholas, cố vấn thương mại độc lập, cho biết ông nhìn nhận những tín hiệu ngoại giao ở AUSMIN chính là cơ hội để xây những chiếc cầu với Bắc Kinh.
"Với chiều rộng mối quan hệ được xây dựng hơn 30 năm qua giữa chúng ta và Trung Quốc, vẫn còn rất nhiều không gian để chúng ta tìm kiếm cơ hội cải thiện tình hình", Nicholas nhận xét. "Xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp là lợi ích chung của ta. Tất nhiên, đôi bên cần nỗ lực hợp tác, đôi bên cần thu lại những thông điệp mang tính công kích và trao đổi mang tính ngoại giao hơn".
Tuy nhiên, Richard McGregor, chuyên gia tại Viện Lowy, trụ sở ở Sydney, lại không có cùng quan điểm.
"Australia nói họ nhìn thấy không gian cho hợp tác mang tính xây dựng nhưng có rất ít tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn điều này", ông nhận định. "Hiện tại, các bộ trưởng Trung Quốc vẫn từ chối trao đổi với những người đồng cấp Australia. Có rất ít nền tảng cho niềm hy vọng cải thiện đáng kể mối quan hệ song phương".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)