Trong công hàm đệ trình Liên Hợp Quốc ngày 23/7, Australia khẳng định "không có cơ sở pháp lý đối với các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông", đánh dấu leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra.
"Australia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với 'quyền lịch sử', 'các quyền và lợi ích hàng hải' được thiết lập trong 'quá trình thực hiện lịch sử lâu dài' ở Biển Đông", tuyên bố viết.
Công hàm nhấn mạnh Toà Trọng tài Thường trực năm 2016 đã ra phán quyết rằng các tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và vì sự không nhất quán đó, nên không có giá trị.
"Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc 'nhóm đảo' trên Biển Đông, gồm cả 'Tứ Sa', 'lục địa' hay các quần đảo 'ngoại vi'", công hàm viết. "Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng như vậy".
"Australia cũng bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc với các khu vực hàng hải được tạo ra bởi các thực thể ngập nước hoặc nền đất cao lúc chìm lúc nổi theo cách không phù hợp với UNCLOS. Các hoạt động xây dựng hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại một thực thể theo UNCLOS ... Chính phủ Australia không chấp nhận rằng việc các thực thể được biến đổi nhân tạo có thể có được trạng thái của một hòn đảo".
Tuyên bố được Australia đưa ra 10 ngày sau khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh dùng chính sách "bắt nạt", "phi pháp" để kiểm soát vùng biển. Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds dự kiến tới Washington tuần tới để gặp người đồng cấp Mỹ Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, dự Tham vấn Bộ trưởng Australia - Mỹ 2020 (Ausmin).
Tuyên bố của Australia cũng đề cập đến những phản đối và khiếu nại của Philippines, Việt Nam và Malaysia, liên quan đến các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, và bác bỏ tính hợp lệ của "các hoạt động cải tạo đất" nhằm tạo ra các đảo nhân tạo.
Sau khi hoàn thành bồi đắp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn khác trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám theo tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Ngoại trưởng Australia Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds ngày 25/7 cho hay cuộc thảo luận tại Ausmin 2020 sẽ tập trung vào những nỗ lực chung nhằm hướng tới một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "ổn định, kiên cường, cởi mở, an toàn và thịnh vượng", đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19.
Báo Australia cùng ngày dẫn ý kiến của các bộ trưởng, thống nhất rằng "các động thái trên Biển Đông, như leo thang tranh chấp và quân sự hoá tranh chấp, tiếp tục tạo ra căng thẳng, gây bất ổn cho khu vực".
Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc leo thang từ đầu năm, khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách lây lan của nCoV. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nói rằng người đồng cấp Trung Quốc không trả lời các cuộc gọi của ông hồi đầu tháng 5.
Bắc Kinh phản đối và "mỉa mai" Canberra về kêu gọi điều tra Covid-19, đồng thời đưa ra cảnh báo cho công dân, sinh viên Trung Quốc tại Australia vì "lo ngại phân biệt chủng tộc". Trung Quốc tháng 5 cũng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tới 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia cũng như cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của nước này với lý do không đáp ứng yêu cầu nhãn mác và chứng nhận nhập khẩu trong thời gian dài.
Căng thẳng khiến các lãnh đạo doanh nghiệp Australia lo lắng có thể gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, kêu gọi tách bạch giữa quan hệ đối ngoại và thương mại song phương.
Mai Lâm (Theo Guardian)