Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết 15 máy bay quân sự Trung Quốc gồm 4 tiêm kích đa năng J-16, 8 tiêm kích đa năng J-10, một máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 cùng hai máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-500 ngày 7/4 tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.
Trong số này, máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 bay tới khu vực phía đông nam của đảo Đài Loan, trong khi số còn lại hoạt động giữa hòn đảo và quần đảo Đông Sa, vốn do Đài Bắc Kiểm soát. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quân đội Trung Quốc điều máy bay áp sát đảo Đài Loan kể từ hôm 3/4.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh cùng các chiến hạm hộ tống của hải quân Trung Quốc đã vượt qua eo biển Miyako và đang diễn tập chiến đấu tại vùng biển phía đông đảo Đài Loan.
Trước đó, ít nhất 10 máy bay quân sự Trung Quốc cũng áp sát đảo Đài Loan từ phía tây. Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định các cuộc diễn tập này thể hiện ý định "siết gọng kìm" của Trung Quốc nhằm bao vây đảo Đài Loan từ hai hướng, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo tới hòn đảo và cả Mỹ.
Shi Hong, tổng biên tập tạp chí Vũ khí Hàng hải của Trung Quốc, cho rằng các động thái này thể hiện sức mạnh vượt trội của quân đội Trung Quốc đại lục (PLA) so với đảo Đài Loan.
"Hoạt động này cho thấy PLA có khả năng bao vây Đài Loan, cô lập lực lượng trên đảo, khiến họ không có bất cứ cơ hội tháo chạy hay giành lợi thế nào nếu xung đột nổ ra", Shi nói.
Ông này cho rằng trong tình huống chiến sự nổ ra ở eo biển Đài Loan, quân đội Nhật và Mỹ có thể can thiệp từ hướng đông, nên việc nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh hiện diện ở khu vực này sẽ cắt đứt bất cứ nỗ lực chi viện nào cho hòn đảo.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng các cuộc diễn tập gần đây của quân đội Trung Quốc không thể hiện bất cứ năng lực quân sự mới mẻ nào và nhóm tàu Liêu Ninh cũng không thể đọ được về sức mạnh với các cụm tác chiến tàu sân bay hạt nhân Mỹ.
Lầu Năm Góc hôm 6/3 cho biết đang theo dõi sát hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc trong khu vực.
Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan hôm qua điều máy bay theo dõi nhóm phi cơ Trung Quốc và phát cảnh báo qua sóng vô tuyến. Phòng vệ Đài Loan đã kích hoạt hệ thống radar phòng không sang chế độ trực chiến cho tới khi máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực.
Một số chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng những đợt áp sát như vậy có thể là một phần trong chiến lược của Trung Quốc đại lục, nhằm phát thông điệp rằng vùng trời quanh hòn đảo là "sân sau của Trung Quốc" và họ sẽ tiếp tục sử dụng tùy ý.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Quân đội Trung Quốc nhiều lần điều máy bay áp sát đảo Đài Loan, đợt triển khai lớn nhất diễn ra hôm 26/3 với 20 máy bay các loại tham gia, đánh dấu leo thang căng thẳng đáng kể trong khu vực eo biển Đài Loan.
Dù máy bay quân sự Trung Quốc không bay qua Đài Loan, các đợt áp sát gia tăng áp lực về tài chính và trang thiết bị lên lực lượng phòng vệ của hòn đảo, khi họ phải đảm bảo tiêm kích luôn sẵn sàng xuất kích để đối phó. Các quan chức phòng vệ Đài Loan mô tả những đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc là "chiến tranh tiêu hao".
Nguyễn Tiến (Theo Focus Taiwan)