Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 5/4 cho biết đội hình 4 tiêm kích J-16, 4 tiêm kích J-10, một máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của không quân Trung Quốc đại lục bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.
Máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 sau đó bay sang khu vực phía đông nam đảo Đài Loan, số còn lại hoạt động ở khu vực giữa hòn đảo và quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan điều tiêm kích lên theo dõi máy bay quân sự Trung Quốc và phát cảnh báo qua vô tuyến. Phòng vệ Đài Loan cũng báo động chiến đấu với các tổ hợp phòng không tới khi máy bay Trung Quốc rời khu vực.
Động thái này diễn ra sau khi tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 chiến hạm hộ tống đi qua eo biển Miyako, nằm giữa quần đảo Okinawa và nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và hướng ra Thái Bình Dương.
Các đợt áp sát đảo Đài Loan của máy bay quân sự Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía tây nam hòn đảo, diễn ra gần như mỗi ngày, song thường chỉ giới hạn ở một hoặc hai trinh sát cơ tốc độ thấp. Chưa rõ lý do quân đội Trung Quốc điều 10 máy bay quân sự trong lần áp sát đảo Đài Loan ngày 5/4.
Quân đội Trung Quốc thường điều lượng lớn máy bay áp sát đảo Đài Loan để phản đối các diễn biến nhất định liên quan đến hòn đảo, đặc biệt là các động thái liên quan đến chính sách "Một Trung Quốc".
Lần gần nhất Trung Quốc điều lượng lớn máy bay áp sát Đài Loan là hôm 29/3 với 10 chiếc tham gia, sau khi đại sứ Mỹ tại Palau John Hennesey-Niland và cùng Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. thăm hòn đảo.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Quân đội Trung Quốc nhiều lần điều máy bay áp sát đảo Đài Loan, đợt triển khai lớn nhất diễn ra hôm 26/3 với 20 máy bay các loại tham gia, đánh dấu leo thang căng thẳng đáng kể trong khu vực eo biển.
Dù máy bay quân sự Trung Quốc không bay qua Đài Loan, các đợt áp sát gia tăng áp lực về tài chính và trang thiết bị lên lực lượng phòng vệ của hòn đảo, khi họ phải đảm bảo tiêm kích luôn sẵn sàng xuất kích để đối phó. Các quan chức phòng vệ Đài Loan mô tả những đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc là "chiến tranh tiêu hao".
Giới chuyên gia nhận định phòng vệ trên không của Đài Loan được đào tạo bài bản, thậm chí trội hơn không quân Trung Quốc ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, tần suất áp sát dày đặc của máy bay quân sự Trung Quốc khiến chi phí bảo dưỡng đội tiêm kích vốn nhiều tuổi của Đài Loan bị đội lên rất nhiều.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hồi tháng 10/2020 cho biết đã chi gần 900 triệu USD để điều tiêm kích ứng phó máy bay quân sự Trung Quốc áp sát hòn đảo, thừa nhận hoạt động này "gây ra áp lực rất lớn" cho lực lượng phòng vệ của họ.
Nguyễn Tiến (Theo Focus Taiwan)