Báo cáo Cuộc đối đầu vĩ đại: Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 được trường Harvard Kennedy, thuộc Đại học Harvard, công bố hôm 7/12. Tác giả chính của nghiên cứu là Graham Allison, hiệu trưởng trường Harvard Kennedy và cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo báo cáo, trong hơn 20 năm cạnh tranh giữa hai quốc gia, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc thời gian gần đây đã thách thức sự thống trị của Mỹ về công nghệ. "Trong một số lĩnh vực, Trung Quốc đã trở thành số một. Với những cuộc đua khác, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ trong vòng 10 năm", báo cáo nêu.
Theo Sputnik, nghiên cứu góp thêm cái nhìn mới mẻ cho cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung, cũng như cảnh bảo Mỹ có thể bị thay thế bởi Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới trong tương lai gần.
Năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh quay quanh Trái đất đầu tiên có tên Sputnik 1, đánh dấu bước ngoặt trong chinh phục không gian vũ trụ. Sự kiện này buộc Mỹ phải hành động, khơi mào cho cuộc đua vào không gian mà kết quả là việc NASA đưa con người đặt chân lên mặt trăng năm 1969.
Cuộc cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là cũng sẽ kích hoạt một sự bùng nổ tương tự. Theo báo cáo, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu với 250 triệu máy tính, 25 triệu ôtô và 1,5 tỷ smartphone được tạo ra năm 2020. Vào tháng 10, các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo các công ty nước này không nên hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực AI, điện toán lượng tử, khoa học sinh học, bán dẫn và các hệ thống tự hành.
Trích lời cựu giám đốc Google Eric Schmidt, báo cáo nói Trung Quốc đã là "đối thủ ngang cơ toàn diện" của Mỹ. Thậm chí, Bắc Kinh đang đặt nền móng cho hàng loạt công nghệ tương lai như Deep Learning và AI. Hiện số bằng sáng chế về AI của Trung Quốc gấp 6 lần Mỹ, theo Viện Trí tuệ nhân tạo Allen ở Seattle.
Với 5G, gần như tất cả chỉ số trong báo cáo đều chỉ ra Trung Quốc đang thống trị. Tính đến cuối 2020, quốc gia đông dân nhất thế giới có 150 triệu người dùng 5G, gấp 25 lần mức 6 triệu người của Mỹ. Về trạm gốc 5G, con số tương ứng là 700.000 trạm và 50.000 trạm. Tốc độ mạng 5G trung bình của Trung Quốc đạt 300 Mb/giây còn Mỹ là 60 Mb/giây. Dù vậy, báo cáo nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh trong nghiên cứu và phát triển, tiêu chuẩn và ứng dụng 5G.
Trong lĩnh vực điện toán lượng tử, giao tiếp lượng tử và cảm biến lượng tử, Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng Trung Quốc đang dần bắt kịp, thậm chí vượt trong một số mảng. "Trung Quốc không có lợi thế trong các cuộc cách mạng công nghệ trước đây do là một nước nghèo, nhưng giờ họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền và nhân lực để dẫn đầu", báo cáo đánh giá.
Các nhà vật lý Trung Quốc gần đây tuyên bố có những bước đột phá trong tính toán lượng tử. Tháng 11, siêu máy tính New Generation Sunway do nhóm 14 nhà khoa học Trung Quốc tạo ra đã giành giải thưởng Gordon Bell, đánh dấu sự thu hẹp về lĩnh vực siêu lượng tử của nước này với thế giới.
Báo cáo cũng dự đoán Trung Quốc sớm trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Thị phần tiêu thụ chip trên toàn cầu của nước này tăng ba lần, từ 20% lên 60% giai đoạn 2000-2019, là lý do chính thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển và tự chủ.
Dù vậy, tham vọng bán dẫn của Trung Quốc có thể sẽ không diễn ra suôn sẻ, do Mỹ vẫn giữ quyền kiểm soát các công nghệ quan trọng. Các công ty Mỹ như Applied Materials và Lam Research hiện chiếm 55% thị phần thiết bị sản xuất chip và 85% phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2%.
Don Rosenberg, cựu cố vấn tại Qualcomm và Apple, và Schmidt của Google đánh giá cao báo cáo. Trả lời Wall Street Journal hôm 8/12, Schmidt nói thông tin trên "không phải là cảnh báo, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã có bước nhảy vọt phi thường về công nghệ cốt lõi".
Bảo Lâm (theo SCMP)