Michael Kratsios, Giám đốc Công nghệ của Nhà Trắng nói với AP: "Các công ty công nghệ của Trung Quốc đang cố gắng định hình các tiêu chuẩn quốc tế về nhận diện và giám sát khuôn mặt. Vì vậy, điều quan trọng với nước Mỹ bây giờ là thiết lập các nguyên tắc dân chủ chung để chống lại những nguy cơ ngày càng lớn mạnh". Sau thời gian dài đàm phán và điều chỉnh một số quy định, cuối cùng Mỹ cũng quyết định tham gia G7 - Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu về AI.
Nhóm G7 về trí tuệ nhân tạo ra mắt hôm 29/5, sau cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng công nghệ của các nước G7. Nhóm này chính thức được thành lập sau hai năm, kể từ khi các nhà lãnh đạo của Pháp, Canada tuyên bố cần thành lập một tổ chức hướng dẫn việc áp dụng AI có trách nhiệm dựa trên các nguyên tắc chung về: Nhân quyền, hòa nhập, đa dạng, đổi mới đi cùng tăng trưởng kinh tế". Ban đầu, chính quyền của Tổng thống Trump phản đối cách tiếp cận này vì nó có thể cản trở quá trình đổi mới của Mỹ. Hai năm sau, Mỹ quyết định tham gia G7 về Trí tuệ nhân tạo để chống lại sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Sự tham gia của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng vì các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đang có sức ảnh hưởng toàn cầu. Kay Mathiesen, phó giáo sư trường Đại học Đông Bắc Boston nói: "Các công ty như Microsoft, Google và Apple đều quan tâm đến những hướng dẫn về AI một cách có trách nhiệm". Sự hiện diện toàn cầu của các công ty này không đồng nghĩa với việc họ phải chịu các quy tắc chung khác của G7.
Việc Mỹ tham gia nhóm "Giám sát các công cụ AI do Trung Quốc phát triển" là điều dễ hiểu trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Cả hai đang chạy đua để giành vị thế dẫn đầu. Mỹ liên tục có những cấm vận nhắm vào công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ hình thành một "thung lũng Silicon phương Đông".
Khương Nha