Ảnh mô hình trực thăng tàng hình của Viện Nghiên cứu và Phát triển Trực thăng, công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), được tài khoản HenriKenhmann đăng trên Twitter ngày 29/5. Mẫu trực thăng tàng hình này được phát triển trên cơ sở Z-20, dòng trực thăng Trung Quốc sao chép dựa trên mẫu S-70 và biến thể H-60 của Mỹ.
Mô hình được công bố cho thấy mẫu trực thăng Z-20 tàng hình có khung thân với các mặt vát tương tự biến thể tàng hình H-60 Stealth Hawk của đặc nhiệm Mỹ. Động cơ cánh quạt chính với nắp đậy hình tròn giống Stealth Hawk, song có 5 lưỡi thay vì 4 lưỡi như trên trực thăng Mỹ. Cánh quạt chính hơi rủ xuống với phần đầu "gấp khúc", có thể được làm bằng vật liệu composite để đảm bảo khả năng tàng hình.
Ống xả dường như được đưa ra trục đuôi với hệ thống thông gió rộng phía trên nhằm trộn lẫn khí thải nóng với không khí mát làm giảm bức xạ hồng ngoại phát ra từ trực thăng.
Phần đuôi trên mô hình trực thăng tàng hình của Trung Quốc dường như ít phức tạp hơn mẫu H-60 Stealth Hawk của Mỹ. Tuy nhiên, có thể mô hình chỉ mang tính chất minh họa, không thể hiện chính xác thiết kế do phần đuôi của trực thăng là chi tiết nhạy cảm. Ngoài ra, đơn vị phát triển có thể quan tâm đến việc giảm tiết diện radar đối với phần đuôi thay vì tiếng ồn do cánh quạt đuôi tạo ra.
Mô hình mẫu trực thăng mới có in biểu tượng mỏ neo, cho thấy máy bay dường như được phát triển cho hải quân Trung Quốc. Với tham vọng phát triển năng lực tác chiến xa bờ, quân đội Trung Quốc có thể ưu tiên phát triển một mẫu trực thăng tàng hình cho hải quân, đặc biệt cho nhiệm vụ tấn công và trinh sát.
Trong cuộc đột kích hạ sát Osama bin Laden tại Pakistan năm 2011, một trực thăng Stealth Hawk chở đặc nhiệm SEAL của Mỹ gặp sự cố khiến phi công phải hạ cánh khẩn cấp. Đặc nhiệm Mỹ sau đó phá hủy chiếc trực thăng gặp nạn, song phần đuôi còn gần như nguyên vẹn.
Pakistan có thể đã cho phép các chuyên gia Trung Quốc tiếp cận đuôi mẫu trực thăng tàng hình của đặc nhiệm Mỹ để thu thập thông tin, bao gồm vật liệu, phương pháp chế tạo vào thiết kế cánh đuôi đặc biệt, giúp họ tìm ra bí quyết chế tạo mẫu trực thăng tàng hình giống Mỹ.
Trung Quốc vào thập niên 1980 được phép mua trực thăng S-70 của Mỹ, khi quan hệ song phương nồng ấm. Quân đội Trung Quốc sau đó nhanh chóng phát triển trực thăng Z-20 có thiết kế tương tự. Z-20 nhanh chóng trở thành nền tảng trực thăng đa năng và đa nhiệm của quân đội Trung Quốc, bao gồm biến thể săn ngầm Z-20F và biến thể Z-20S có khả năng mang 8 tên lửa chống tăng KD-10.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)