Hải quân Trung Quốc ngày 23/4 biên chế tàu sân bay trực thăng Type 075 đầu tiên mang tên Hải Nam cho Hạm đội Nam Hải. Trung Quốc cũng đang thử nghiệm hai tàu sân bay trực thăng lớp Type 075 khác, đóng vai trò mũi nhọn tiên phong cho lực lượng viễn chinh tương tự thủy quân lục chiến Mỹ.
Trung Quốc đặt tham vọng phát triển lực lượng đổ bộ có khả năng triển khai độc lập với toàn bộ vũ khí hỗ trợ chiến đấu để phô diễn sức mạnh và tăng khả năng cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, dù Trung Quốc dồn lực phát triển và chế tạo tàu sân bay trực thăng, giới chuyên gia nhận định các chiến hạm này chưa sẵn sàng chiến đấu.
Chu Thần Minh, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Công nghệ Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc phải mất ít nhất 10 năm nữa để các tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Type 075 như Hải Nam đạt được khả năng chiến đấu đầy đủ, do hải quân còn thiếu kinh nghiệm vận hành chiến hạm loại này.
"Điều này sẽ hạn chế hơn nữa vai trò của các chiến hạm Type 075", chuyên gia Chu Thần Minh cho biết.
Type 075 là lớp tàu sân bay trực thăng lớn thứ ba thế giới, sau lớp Wasp và America của hải quân Mỹ, nhưng vẫn có khả năng cải hoán thành tàu sân bay hạng nhẹ.
Tuy nhiên, khả năng tác chiến của Type 075 bị hạn chế đáng kể do Trung Quốc chưa sở hữu máy bay có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B và MV-22 Osprey.
Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết chiến hạm Hải Nam và các tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Type 075 khác chưa đạt khả năng chiến đấu do nước này chưa sản xuất được trực thăng Z-8J và Z-20J, phiên bản hải quân của trực thăng vũ trang Z-8 và Z-20.
"Dự án Z-20J đang trong quá trình phát triển do yêu cầu chặt chẽ nhằm thích ứng với nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao khi hoạt động trên biển", nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho hay do cần bổ sung gấp lực lượng chiến hạm mặt nước, hải quân Trung Quốc quyết định cho tàu sân bay trực thăng Hải Nam ra thử nghiệm hồi tháng 8/2020 khi chưa hoàn thiện mặt boong và sàn đáp, điều chưa từng diễn ra trong các đợt thử nghiệm chiến hạm trước.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định tàu sân bay trực thăng Type 075 được thiết kế nhằm phục vụ chiến dịch tấn công đảo Đài Loan, song có thể thực hiện nhiệm vụ "răn đe ngoài khơi" ở các khu vực như biển Hoa Đông và Biển Đông.
"Chiến hạm được biên chế cho hạm đội Nam Hải thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam. Điều này không có nghĩa là tàu Hải Nam chỉ hoạt động ở Biển Đông mà có thể tham gia các nhiệm vụ xung quanh đảo Đài Loan hoặc liên chiến khu khác", chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho biết. "Tuy nhiên, tàu Hải Nam sẽ chủ yếu hoạt động ở Biển Đông".
Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định việc quân đội Trung Quốc triển khai tàu sân bay trực thăng tới Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam có thể gửi thông điệp đến các nước ven Biển Đông.
"Với sự không chắc chắn về chiến lược của Trung Quốc và xu hướng tăng cường áp lực quân sự của nước này, các quốc gia trong khu vực sẽ cảnh giác hơn về chiến hạm Hải Nam", Koh nói, đồng thời cảnh báo về nguy cơ tàu chiến Trung Quốc châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang khu vực.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)