Hải quân Trung Quốc trong một thập kỷ qua đẩy nhanh chương trình đào tạo phi công tiêm kích tàu sân bay sau khi biên chế tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, tiến độ đào tạo bị cản trở do hải quân Trung Quốc không sở hữu máy bay huấn luyện chuyên cho hoạt động trên tàu sân bay, theo bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc Khoa học Công nghệ Công nghiệp Viễn Đông.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh đánh giá hải quân Trung Quốc cần ít nhất 200 phi công tiêm kích đủ điều kiện vận hành 130 máy bay trên tàu sân bay Phúc Kiến, đã được hạ thủy và bước vào thử nghiệm sơ bộ.
Tàu sân bay Phúc Kiến được trang bị máy phóng điện từ tương tự chiến hạm USS Gerald R Ford của Mỹ, trong khi hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông được trang bị cầu nhảy ở mũi tàu.
Thiết kế và thiết bị mới trên chiến hạm Phúc Kiến khiến hải quân Trung Quốc phải làm chủ hệ thống hỗ trợ cất hạ cánh mới trên tàu sân bay. "Công nghệ này đầy thách thức vì thiết kế máy bay và đào tạo phi công là một trong những điều khó và phức tạp nhất thế giới", ông Lý nói.
Phi công hải quân Trung Quốc sử dụng máy bay huấn luyện JL-9G do nước này sản xuất, có hai chỗ ngồi và một động cơ. Tuy nhiên, mẫu máy bay huấn luyện này không dùng để mô phỏng hạ cánh khẩn cấp trên sàn đáp tàu sân bay do quá nhẹ và quá chậm, khiến JL-9G chỉ được dùng trong huấn luyện mô phỏng trên đất liền.
"Trong vài thập kỷ qua, Mỹ dùng máy bay huấn luyện đủ tiêu chuẩn trên tàu sân bay T-45 Goshawk để đào tạo phi công", bài viết trên tờ Khoa học Công nghệ Công nghiệp Viễn Đông có đoạn. "Mỹ đã phát triển biến thể tiên tiến T-7A Red Hawk với động cơ General Electric F404 mạnh hơn giúp huấn luyện phi công tiêm kích trên tàu hiệu quả hơn".
Trung Quốc hiện chỉ sở hữu một mẫu tiêm kích hạm duy nhất là J-15 với hai động cơ, được mệnh danh là tiêm kích hạm nặng nhất thế giới. J-15 có trọng lượng 17,5 tấn khi không mang vũ khí và có thể đạt tốc độ hơn 2.900 km/h, trong khi máy bay huấn luyện JL-9G nặng 7,8 tấn và tốc độ tối đa 1.100 km/h.
"Trung Quốc không sở hữu máy bay huấn luyện như T-45, do đó quá trình đào tạo trên tàu sân bay của các học viên dựa vào J-15. Điều này đặt ra thách thức trong việc cải thiện kỹ năng bay do không có huấn luyện viên ngồi sau", tạp chí Trung Quốc nhận định.
Trung Quốc phát triển biến thể hai chỗ của J-15 với định danh J-15S, song nền tảng này sau đó được phát triển thành tiêm kích tác chiến điện tử J-15D. "J-15S không được biến thành máy bay huấn luyện là một vấn đề khó hiểu", chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau nói, đồng thời nhận định lý do có thể là chi phí cao.
Hải quân Trung Quốc từ năm 2017 tự đào tạo phi công cho quân chủng thay vì chọn ứng viên đủ tiêu chuẩn từ không quân, cách tiếp cận giống phương pháp của quân đội Mỹ. Dai Mingmeng, người lái nguyên mẫu J-15 trong chuyến bay đầu tiên từ tàu sân bay Liêu Ninh tháng 11/2012, là một trong 5 phi công Trung Quốc đầu tiên đạt chứng chỉ hoạt động trên tàu sân bay.
"Vẫn còn chặng đường dài để phi công tiêm kích hạm trên tàu sân bay Trung Quốc có thể bắt kịp đồng nghiệp Mỹ", Dai Mingmeng nói. "Các phi công Trung Quốc trên tàu Phúc Kiến có thể cần thêm một thập kỷ nữa để đạt yêu cầu cơ bản về khả năng sẵn sàng chiến đấu. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa Trung Quốc với Mỹ, quốc gia có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay hàng thập kỷ".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)