"Tôi coi trọng cuộc sống tinh thần và sở thích của mình. Trẻ con sẽ khiến tôi phải tiêu tốn nhiều năng lượng và tôi không thể chấp nhận điều đó", Zhang cho biết. Tuy nhiên, Eno Zhang không phải người duy nhất chọn cách sống này.
Chi phí giáo dục, nhà ở và chăm sóc sức khỏe tăng khiến ngày càng nhiều người Trung Quốc ngại kết hôn, lười sinh con. Nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học thường không muốn sinh con để tránh ảnh hưởng tới sự nghiệp. Trong khi nhiều phụ nữ sinh ra trong thời kỳ chính sách một con và hiện trong độ tuổi sinh sản không muốn nghĩ tới việc chăm sóc con cái.
"Tất cả chúng tôi chỉ là những đứa trẻ và khá ích kỷ. Làm sao tôi có thể nuôi con khi chính tôi còn là đứa trẻ chưa lớn? Làm sao tôi có thể chăm sóc và thức dậy mỗi đêm để cho con ăn?", Dong Chang, nhân viên hành chính 28 tuổi tại một phòng khám nha khoa ở Bắc Kinh, nói. Dong chia sẻ giới trẻ như cô thích chi tiêu không tiếc tay cho bản thân nhưng khó từ bỏ điều họ yêu thích để có con.
Dong hiện sống cùng bạn trai nhưng hai người chưa có ý định kết hôn trong thời gian tới bởi không muốn bố mẹ ép họ sinh con.
Trong khi đó, Melody Lin, nhân viên 26 tuổi tại một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết cô không tìm ra lý do để sinh con. Cô từng nghĩ sẽ đi theo con đường chung của nhiều người là lấy chồng, sinh con, nhưng cuối cùng quyết định từ bỏ suy nghĩ đó sau khi đọc được nhiều tranh luận rằng không phải tất cả phụ nữ đều cần có con.
"Bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi còn trẻ và sẽ thay đổi suy nghĩ khi lớn tuổi hơn. Nhưng tôi không nghĩ như vậy", Lin nói.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2019, quốc gia này chỉ có 14,6 triệu trẻ sơ sinh, giảm 4% so với năm 2018 và là mức thấp nhấp kể từ sau năm 1961. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc năm 1961 là 11,8 triệu đứa trẻ, do nạn đói hoành hành khiến hàng triệu người chết.
2019 là năm thứ ba liên tiếp quốc gia này chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, sau khi tăng nhẹ vào năm 2016 khi chính phủ Trung Quốc chấm dứt chính sách một con. Giới chức nước này hy vọng điều này có thể cải thiện tỷ lệ sinh nhưng kết quả không đúng như kỳ vọng.
Giới chuyên gia cho rằng có vài xu hướng dẫn tới tỷ lệ sinh giảm, bao gồm việc phụ nữ có học thức giờ không coi hôn nhân là giải pháp cần thiết để đảm bảo tài chính. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc hiện không đủ khả năng tài chính để sinh con khi chi phí sinh hoạt tăng và phải dành nhiều thời gian, năng lượng cho công việc. Thái độ của nhiều người với hôn nhân đã thay đổi.
"Đó là xã hội của hai nhóm người: một là không muốn kết hôn và hai là không có điều kiện để có con. Ở một cấp độ sâu sắc hơn, bạn sẽ phải nghĩ xem Trung Quốc sẽ trở thành xã hội như thế nào, không chỉ về mặt nhân khẩu học mà còn về xã hội học", Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, thành phố Irvine, Mỹ cho biết.
Trong khi nhiều quốc gia cũng đang đau đầu về tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, những vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc. Hầu hết người cao tuổi ở đây đều phải phụ thuộc vào con cháu để trang trải chi phí chăm sóc y tế, nghỉ hưu và chi phí khác. Nhiều vợ chồng trẻ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc cha mẹ hai bên và ông bà mà không có sự trợ giúp từ anh em.
Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong khi tuổi thọ tăng, Trung Quốc sẽ không có đủ lao động trẻ để chống đỡ nền kinh tế và chăm sóc cho số lượng người già không ngừng tăng. Điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống lương hưu, bệnh viện và các công ty. Tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa quỹ lương hưu của nhà nước, phụ thuộc vào đóng góp từ lực lượng lao động, có nguy cơ "cạn tiền" vào năm 2035.
Dù đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số ngày càng hiện hữu, chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì nhiều quy định nghiêm ngặt như phạt gia đình vi phạm quy định hạn chế số con, cấm phụ nữ độc thân tiếp cận công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm ngoái cho biết dân số nước này sẽ giảm vào năm 2027, trong khi nhiều người khác tin rằng nó sẽ xảy ra sớm hơn. Cai Yong, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ nhận định tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm trong ít nhất một thập kỷ tới.
"Có nhiều điểm tương đồng giữa khủng hoảng dân số và sự nóng lên toàn cầu. Tất cả đều đang có xu hướng trầm trọng hơn và chúng ta cần một chiến lược dài hạn để đối phó với nó", giáo sư Cai cho biết.
Thanh Tâm (Theo NY Times)