Khu đất rộng khoảng 2,85 hecta trên đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xuất hiện trong ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp ngày 18/3. Khu đất nằm dọc bờ kè phía nam trên thực thể này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh được chụp hôm 20/2.
Khu đất mới trên đá Subi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông với cái gọi là "đường 9 đoạn" do nước này tự vẽ ra.
Phía bên phải khu đất do Trung Quốc cải tạo trái phép có thể là một tháp hoặc vòm bọc radar hình tròn, Maxar cho biết. Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết công trình nằm gần khu đất mới có thể được sử dụng cho nhiều mục đích.
"Công trình này nằm gần bờ kè, có thể là nơi xây dựng tháp quan sát hoặc radar. Việc lát đá cho thấy đó là công trình đa chức năng, có thể cho phép tổ chức hoạt động quy mô lớn như hạ cánh trực thăng triển khai cảm biến hoặc các tổ hợp vũ khí", Koh nói.
Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và cải tạo trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 2013, sau đó xây dựng đường băng, lắp đặt radar và triển khai tên lửa tại đây. Đá Subi là một trong 6 đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km, nơi quân đội Philippines đang chiếm đóng trái phép.
Hoạt động cải tạo và bồi đắp các thực thể tại Biển Đông của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối. Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 ra phán quyết rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% diện tích Biển Đông "không có cơ sở pháp lý".
Cảnh sát biển Philippines ngày 20/3 cho biết khoảng 220 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển neo đậu tại một bãi đá ngầm trên Biển Đông từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm song không đánh bắt.
Đại sứ quán Mỹ tại Philippines ngày 23/3 ra thông cáo quan ngại việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc "neo đậu nhiều tháng" trong khu vực, gọi đây là là động thái "uy hiếp nước khác". Mỹ cho rằng việc hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu ở Biển Đông là động thái "uy hiếp nước khác". Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines bác tin đây là tàu do dân quân biển điều khiển và cho biết các tàu "đang trú ẩn" tại khu vực, dù thời tiết thuận lợi.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)