Thông tin được Khâu Quốc Chính, lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan, đưa ra trong phiên họp của cơ quan lập pháp hòn đảo ngày 16/3. Ông này không nêu chi tiết về quân số và chủng loại vũ khí Đài Loan tăng cường cho đơn vị cảnh sát biển đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ba Bình là hòn đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo này và từng triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú. Tuy nhiên, từ năm 2000, Đài Loan thay lực lượng đồn trú trên đảo Ba Bình bằng một đơn vị cảnh sát biển, được trang bị các loại vũ khí như súng máy, cối tầm xa.
Khâu Quốc Chính cho hay Đài Loan đưa thêm cảnh sát biển lên đảo Ba Bình do Trung Quốc đại lục tăng cường hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, lực lượng phòng vệ Đài Loan chưa xem xét tái bố trí đơn vị quân sự đồn trú trên đảo.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép trên các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh triển khai nhiều khí tài gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, thiết bị gây nhiễu điện tử ra các đảo nhân tạo, đồng thời cho oanh tạc cơ hạ cánh xuống đây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 11/3 cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.
"Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông", bà Hằng nói.
Đài Loan đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng phòng vệ trong bối cảnh Trung Quốc đại lục gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo. Quân đội Trung Quốc gần như mỗi ngày đều điều máy bay quân sự áp sát Đài Loan, buộc hòn đảo điều tiêm kích ứng phó.
Ông Khâu cho biết các đợt áp sát của máy bay quân sự Trung Quốc là "một phần của chiến lược tiêu hao" nhằm vào đảo Đài Loan. "Lực lượng phòng vệ đã điều chỉnh cách ứng phó với những vụ áp sát như vậy. Chúng tôi sẽ mất nhiều tiền nếu cố cạnh tranh ngang ngửa với họ", ông Khâu nói.
Khi một nghị sĩ hỏi về việc Trung Quốc đại lục có thể tấn công đảo Đài Loan hay không, ông Khâu trả lời: "Họ có khả năng phát động chiến tranh. Mục tiêu của tôi là chúng ta luôn sẵn sàng chiến đấu".
Lãnh đạo cơ quan phòng vệ cũng xác nhận Mỹ chấp thuận xuất khẩu các thiết bị nhạy cảm cho chương trình chế tạo tàu ngầm của hòn đảo, vốn được bắt đầu từ năm ngoái.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân ở eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm từng cảnh báo việc đảo Đài Loan độc lập "đồng nghĩa với chiến tranh".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)