Theo ảnh chụp vệ tinh thương mại do công ty Planet thu thập và Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Mỹ nghiên cứu, được công bố hôm 23/12 cho thấy dấu hiệu đốt nhiên liệu cứng xuất hiện trong giai đoạn từ ngày 26/10 đến ngày 9/11 tại một cơ sở gần thị trấn Dawadmi, tỉnh Riyadh, Arab Saudi. Các nhà phân tích đánh giá đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên cho thấy cơ sở này đang sản xuất tên lửa.
Jeffrey Lewis, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết những nhà máy tên lửa thường xây thêm khu đốt thải. Đây là khu vực tiêu hủy nhiên liệu động cơ đẩy tên lửa còn thừa sau quá trình chế tạo nhằm giảm tác động độc hại đến môi trường.
Thông tin cụ thể về loại tên lửa đạn đạo Arab Saudi đang phát triển, đặc biệt là tầm bắn và tải lượng chất nổ, vẫn mơ hồ. Lewis đoán Arab Saudi có thể đang phát triển tên lửa bằng thiết kế của Trung Quốc, trong trường hợp Trung Quốc là nước hỗ trợ cả xây dựng cơ sở Dawadmi lẫn chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm.
Theo ít nhất ba nguồn tin tình báo Mỹ, Arab Saudi đã có thể tự sản xuất tên lửa đạn đạo sau một thời gian mua từ Trung Quốc. Ảnh chụp vệ tinh cũng cho thấy nước này đang sở hữu ít nhất một địa điểm chế tạo tên lửa đạn đạo.
Một số nguồn thạo tin tình báo Mỹ cũng nói rằng báo cáo mật về những vụ chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo quy mô lớn giữa Trung Quốc và Arab Saudi đã đến tay quan chức nhiều cơ quan chính phủ Mỹ, trong đó có Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tại Nhà Trắng.
Giới chức Mỹ lo ngại diễn biến này sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền ở Trung Đông, gây phức tạp nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran. NSC và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận về thông tin trên.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi liệu công nghệ tên lửa nhạy cảm đã được chuyển giao cho Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ tái khẳng định hai nước là "đối tác chiến lược toàn diện". Bắc Kinh và Tehran duy trì "hợp tác hữu nghị trên mọi lĩnh vực, trong đó có giao thương quân sự".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hợp tác với Iran không vi phạm luật pháp quốc tế và không liên quan phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách nối lại thỏa thuận với Iran, bổ sung thêm một số ràng buộc cho chương trình tên lửa của nước này. Thông tin kẻ thù không đội trời chung Arab Saudi tự sản xuất được tên lửa đạn đạo có thể khiến Iran không mặn mà với ý tưởng hạn chế kho vũ khí của mình.
"Thông tin Arab Saudi sản xuất tên lửa đạn đạo nội địa cho thấy mọi nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát phổ biến tên lửa sẽ cần sự tham gia của những tác nhân khác trong khu vực vốn cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo, như Arab Saudi và Israel", Lewis nhận định.
Trung Nhân (Theo CNN)