"Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định phê duyệt hợp đồng tiềm năng để bán 280 tên lửa đối không tầm trung AIM-120C-7/C-8, 596 giá phóng tên lửa LAU-128, cùng linh kiện đi kèm và hỗ trợ kỹ thuật cho Arab Saudi với mức giá ước tính 650 triệu USD. Chúng tôi đã gửi thông báo đến quốc hội Mỹ về hợp đồng này", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết trong thông cáo hôm 4/11.
Thông báo phê duyệt không đồng nghĩa với hợp đồng đã được ký hoặc hai bên đã hoàn tất đàm phán điều khoản thỏa thuận. Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày kể từ khi nhận thông báo để quyết định có chặn thương vụ hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
"Chúng tôi đã chứng kiến số vụ tấn công xuyên biên giới nhằm vào Arab Saudi tăng lên trong năm qua. Tên lửa AIM-120C triển khai từ tiêm kích của Riyadh đóng vai trò chủ chốt trong ngăn chặn những đợt tấn công có thể đe dọa binh sĩ và hơn 70.000 công dân Mỹ ở nước này", Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết.
Đây là hợp đồng vũ khí lớn đầu tiên giữa Mỹ và Arab Saudi kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Riyadh là đồng minh quan trọng của Washington ở Trung Đông, nhưng các nhà lập pháp Mỹ từng nhiều lần chỉ trích nước này vì chiến dịch quân sự chống lại phiến quân Houthi ở Yemen. Quốc hội Mỹ từng nhiều lần từ chối phê duyệt thỏa thuận bán vũ khí cho Arab Saudi với lý do chúng được dùng để tấn công dân thường.
"Hợp đồng tuân thủ đầy đủ cam kết của chính quyền nhằm sử dụng biện pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột tại Yemen. Các tên lửa đối không sẽ bảo đảm Arab Saudi có phương án phòng vệ trước những đợt tấn công đường không của lực lượng Houthi", phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.
Xung đột nổ ra ở Yemen từ cuối năm 2014 khi phiến quân Houthi chiếm nhiều phần lãnh thổ nước này, bao gồm cả thủ đô Sanaa, đe dọa chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.
Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu triển khai chiến dịch can thiệp vào Yemen từ tháng 3/2015 để đẩy lùi Houthi, khôi phục chính phủ của Hadi. Để đáp trả, phiến quân Houthi thường dùng tên lửa, UAV tấn công mục tiêu trong lãnh thổ các nước liên quân, cũng như dùng xuồng tự sát tập kích tàu hàng và tàu hải quân trên Biển Đỏ.
Với sự hậu thuẫn của Iran, lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với những chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.
Vũ Anh (Theo Reuters)