"Quan hệ quân sự Trung - Nga là động lực hỗ trợ quan trọng trong hợp tác chiến lược giữa hai nước", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong thông cáo ngày 1/3. "Hai bên tuân thủ nguyên tắc không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào các nước thứ ba, khác hoàn toàn với liên minh quân sự giữa một số nước".
Tuyên bố được đưa ra sau khi có những đồn đoán rằng Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập liên minh quân sự với Nga nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại NATO.
Tin đồn này rộ lên xuất phát từ phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10/2020 rằng Moskva "không loại trừ" khả năng thành lập liên minh với Bắc Kinh. Đây là lần đầu một lãnh đạo Nga đưa ra đề xuất như vậy từ khi hiệp ước tương tự với Trung Quốc sụp đổ vào những năm 1960.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định thông điệp của Bộ Quốc phòng nước này nhằm nhấn mạnh mong muốn của Bắc Kinh ngăn "căng thẳng lạnh" với Washington trở thành "một cuộc chiến tranh nóng", đồng thời tránh gây thêm hoài nghi ở châu Âu về liên minh Trung - Nga.
Nghê Nhạc Hùng, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, cho biết ý tưởng lập liên minh quân sự với Nga là "chủ đề cấm kỵ" tại Trung Quốc. "Chỉ những quốc gia có ý định tiến hành chiến tranh mới công bố kế hoạch liên minh quân sự", chuyên gia này cho biết. "Bạn tự đẩy mình vào thế khó khi làm điều đó và loại bỏ mọi cơ hội đàm phán. Điều này không có lợi cho Trung Quốc".
Trình Nghị Quân, chuyên gia quan hệ Nga - Trung tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định các liên minh quân sự là di sản của Chiến tranh Lạnh và Trung Quốc không có nhu cầu tham gia liên minh nào.
"NATO được thành lập để nhắm vào Liên Xô, không phải Trung Quốc. Tổ chức này cho tới nay chưa làm bất cứ điều gì tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc", chuyên gia Trình nói và cảnh báo Trung Quốc có thể trả cái giá rất lớn cho một liên minh quân sự với Nga, bất chấp Moskva và Bắc Kinh chung nhiều lợi ích.
"Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày nay là liên minh bán quân sự, nghĩa là hai nước là đồng minh nhưng không ràng buộc nhau với bất cứ nghĩa vụ quân sự nào. Nó tương tự như quan hệ của nhóm Bộ Tứ do Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thành lập", chuyên gia Nghê cho biết.
Trình Nghị Quân nhận định liên minh quân sự là khái niệm lỗi thời khi tất cả quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng cùng giá trị của việc sử dụng các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích quốc gia.
"Các nước luôn tồn tại xung đột và mâu thuẫn về lợi ích quốc gia. Thành lập một liên minh quân sự đồng nghĩa là bạn thích sử dụng vũ lực để giải quyết một vấn đề, đó là lựa chọn tồi tệ nhất", chuyên gia này nói.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)