Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 25/2, đại tướng John Hyten, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng quân đội nước này cần "xem xét lại khả năng răn đe chiến lược" trước nỗ lực hiện đại hóa tên lửa hành trình, đạn đạo và siêu vượt âm của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
Theo tướng Hyten, Mỹ cần đánh giá lại hệ thống cảm biến, chỉ huy và kiểm soát cùng những lĩnh vực vốn không được Lầu Năm Góc liệt vào diện "bắt buộc phải có" trong các nghiên cứu để đối phó với "tình thế bất lợi" trước mối đe dọa tên lửa của các đối thủ.
Trong hội đàm, Hyten đề cập nhiều lần về yêu cầu cảm biến tích hợp trong các lĩnh vực, hệ thống chỉ huy và kiểm soát cùng việc phát triển công nghệ đánh chặn phù hợp, bao gồm Hệ thống Đánh chặn Thế hệ Tiếp theo (NGI).
Tướng Hyten đánh giá NGI là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi "các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên". Các nhóm chuyên gia của Lockheed Martin, Northrop Grumman và Boeing đang xây dựng đề xuất thiết kế và phát triển cho chương trình NGI trị giá 1,2 tỷ USD.
"Triều Tiên đang tiếp tục tăng cường năng lực tên lửa của họ", tướng Hyten nhận định về những mẫu tên lửa phóng từ tàu ngầm xuất hiện trong cuộc duyệt binh hồi giữa tháng 1 ở Bình Nhưỡng.
Hyten thừa nhận mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên vẫn hiện hữu và Mỹ muốn đánh chặn chúng trước khi tới lãnh thổ của mình. Mỹ đã triển khai thêm tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất tại bang California và Alaska để khẳng định quyết tâm này.
Tướng Hyten muốn mọi quân chủng của Mỹ có thể "tự vệ và tấn công thọc sâu". Tại khu vực Thái Bình Dương, Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo, hành trình hoặc siêu vượt âm của Trung Quốc.
"Chúng ta cần đẩy mạnh cuộc chơi của mình để đối phó những thách thức mà Trung Quốc đặt ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên lửa tầm trung của họ", tướng Hyten nói. "Khả năng cơ động đã trở nên phổ biến với mọi lực lượng mặt đất, trên biển, trên không lẫn không gian mạng", ông nói.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)