Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 4 chiếc H-6K ngày 22/12 tham gia chuyến tuần tra chung với hai oanh tạc cơ Tu-95 của Nga trên khu vực tây Thái Bình Dương theo khuôn khổ chương trình hợp tác quân sự hàng năm của hai nước.
Cuộc tuần tra nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước trong bối cảnh Nga và Trung Quốc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cùng áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát quân sự cho rằng sự xuất hiện cùng lúc của hai mẫu oanh tạc cơ này chỉ càng cho thấy máy bay H-6K Trung Quốc thua kém thế nào trước khí tài của Nga.
Đường bay của các oanh tạc cơ Nga, Trung trong chuyến tuần tra được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố cho thấy các máy bay H-6K không bay liên tục cùng Tu-95 suốt hành trình, mà phải chia đôi quãng đường. Động thái này dường như thể hiện điểm yếu về tầm bay của H-6K.
Oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc chỉ có tầm bay khoảng 6.000 km, khối lượng cất cánh tối đa 96 tấn. Trong khi đó, oanh tạc cơ Tu-95 của Nga có tầm bay 15.000 km với khối lượng cất cánh tối đa 188 tấn.
Trung Quốc đang sở hữu 160-180 chiếc H-6, nhưng chỉ có biến thể H-6N có thể tiếp liệu trên không để tăng tầm hoạt động. Trong khi đó, gần như toàn bộ dòng Tu-95 của Nga đều có vòi tiếp liệu trên không và có thể tăng đáng kể tầm bay của mình.
Các chuyên gia nhận định tầm bay và tải trọng hạn chế của H-6K gây ảnh hưởng lớn đến năng lực ném bom cũng như tham vọng chiến lược của không quân nước này.
Jon Grevatt, chuyên gia về máy bay quân sự của hãng phân tích tình báo Janes, nhận định hạn chế về tầm bay và tải trọng của oanh tạc cơ H-6 "làm giảm tính linh hoạt khi Trung Quốc phô diễn sức mạnh". "Oanh tạc có H-6 của Trung Quốc dựa trên mẫu máy bay đã cũ của Nga là T-16, ra mắt vào những năm 1950", Grevatt nói.
"Dù Trung Quốc đã nâng cấp, H-6 cơ bản vẫn sử dụng thiết kế rất cũ", Grevatt cho biết. "Oanh tạc cơ Trung Quốc không thể bay xa mà không cần tiếp liệu, đồng thời không thể mang lượng vũ khí nặng như máy bay ném bom của Nga và Mỹ".
Để khắc phục điểm yếu này, Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tàng hình H-20 nhằm xây dựng năng lực oanh tạc liên lục địa và mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng biển xa hơn. H-20 có tải trọng 45 tấn, tầm bay 8.500 km và có thể mang 4 tên lửa hành trình.
Ảnh do Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chụp cho thấy biến thể H-6K được Trung Quốc triển khai trong chuyến tuần tra chung với Nga có 8 giá treo vũ khí trên cánh, thay vì 6 giá treo như các mẫu H-6 đời cũ.
Chuyên gia Tống Trung Bình tại Bắc Kinh cho biết hai giá treo gần đầu cánh có thể mang theo khí tài hạng nhẹ như cụm gây nhiễu điện tử trên không, 6 giá còn lại treo bom hoặc tên lửa nặng hơn.
Việc trang bị cụm gây nhiễu điện tử có thể giúp H-6K đánh lừa sóng radar, thủy âm hoặc các hệ thống phát hiện mục tiêu khác của đối phương. Tuy nhiên, việc thiếu khả năng tàng hình khiến oanh tạc cơ Trung Quốc khó xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của nước ngoài. "Không thể coi oanh tạc cơ H-6 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa thực sự", chuyên gia này cho biết.
Chuyên gia Grevatt nhận định cuộc tuần tra chung tuy khiến oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bộc lộ nhiều điểm yếu nhưng cũng có thể giúp nước này tăng cường chiến thuật và hợp tác giữa các lực lượng không quân. "Chuyến tuần tra cũng nhằm gửi thông điệp chiến lược cho Mỹ rằng Trung Quốc cùng Nga sẵn sàng và có khả năng hợp tác", Grevatt nói.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)