"Hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon dựa trên nguyên tắc bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Đây là vấn đề thuộc chủ quyền của hai nước, phù hợp luật pháp quốc tế, cởi mở và minh bạch. Cái gọi là 'Trung Quốc đang lập căn cứ quân sự ở Solomon' hoàn toàn là tin giả, được tung ra bởi một số người có động cơ không rõ ràng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm nay.
Quan chức Trung Quốc cũng chỉ trích hợp tác quân sự giữa Washington và Canberra, trong đó có thỏa thuận hợp tác quốc phòng ba bên mang tên AUKUS giữa Mỹ, Australia và Anh, cho rằng liên minh này thiếu minh bạch và không chia sẻ thông tin với các quốc gia ở nam Thái Bình Dương.
"Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực là điều đáng lo ngại, trong khi nước này có gần 800 căn cứ ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Điều đó đã gây lo ngại trên toàn cầu. Bao giờ nước Mỹ sẽ đóng cửa những căn cứ đó?", ông Uông nói thêm.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng căn cứ quân sự Trung Quốc ở Quần đảo Solomon sẽ vượt lằn ranh đỏ của Australia. "Tôi chia sẻ lằn ranh đỏ với Washington về vấn đề này. Chúng tôi không chấp nhận căn cứ hải quân Trung Quốc ở trong khu vực, ngay tại cửa ngõ quốc gia của mình", ông cho hay.
Trung Quốc ngày 19/4 thông báo ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon, khẳng định hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon "là trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền".
Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được tiết lộ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ thay đổi phương án quân sự trong khu vực.
Vũ Anh (Theo Xinhua)