Họ thắng lớn ở nhiều bang, có những màn ăn mừng tưng bừng cùng số lượng đại biểu giành được ngày một tăng. Tuy nhiên, theo New York Times, những chiến thắng của cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton không giấu được một thực tế bất thường, hiếm gặp trong lịch sử: hầu hết người Mỹ đều không thích họ.
Theo một khảo sát mới đây được Gallup tiến hành, 53% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về bà Clinton, trong khi tỷ lệ này với ông Trump lên tới 63%.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ gần đây nhất diễn ra hôm 22/3, cả ông Trump và bà Clinton đều thắng lớn tại bang Arizona, và duy trì ưu thế dẫn đầu về số lượng đại biểu, cho dù bị các đối thủ đánh bại tại các bang Utah và Idaho, theo CNN. Với kết quả này, tỷ phú bất động sản Trump có được 741 đại biểu, bỏ xa đối thủ Ted Cruz với chỉ 461 đại biểu. Trong khi đó cựu ngoại trưởng đã giành được 1.711 đại biểu, tiến gần hơn tới mốc 2.383 đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên đại diện của đảng Dân chủ.
Xem thêm: Quy trình lựa chọn ứng viên đại diện trong bầu cử Mỹ
Cả hai ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa và Dân chủ đều phải đối diện với sự hoài nghi sâu sắc, và thậm chí cả sự ghét bỏ của người dân. Tâm lý này ngày một lộ rõ, và có thể sẽ bao trùm cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nếu ông Trump và bà Clinton trở thành những người đại diện cho đảng của mình.
Các nhà sử học cũng như chiến lược gia chưa từng thấy ở bất kỳ cuộc bầu cử nào, hơn một nửa nước Mỹ lại có tâm lý tiêu cực về ứng viên dẫn đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa như năm nay.
"Trong lịch sử hiện đại, không có cuộc bầu cử nào tương tự, khi cả hai ứng viên dẫn đầu trong cuộc đua giành quyền đại diện lại nhận được nhiều phản ứng trái chiều đến vậy", Steve Schmidt, cựu cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống George W. Bush năm 2004 và Thượng nghị sĩ John McCain năm 2008, bình luận. "Chưa hề có tiền lệ nào như vậy".
Ấn tượng khó thay đổi
Thông thường, sau những chiến thắng lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang, các ứng viên dẫn đầu sẽ mời gọi cử tri toàn quốc đứng về phía mình. Và cả ông Trump và bà Clinton đều cố gắng làm điều đó.
Tuy nhiên ông Trump đã khiến nhiều người Mỹ bất an với những phát ngôn đầy tính kích động, cùng những đề xuất cực đoan. Bà Clinton, dù được xem như một chính trị gia điềm đạm và nghiêm túc hơn, lại gặp khó khăn trong nỗ lực giành niềm tin từ cử tri.
Nước Mỹ đã biết đến tỷ phú Trump và cựu đệ nhất phu nhân, cựu ngoại trưởng Clinton trong nhiều thập niên. Người Mỹ chứng kiến những vấn đề gây tranh cãi, thành công và cả những thất bại của họ, từ những phiên điều trần, khó khăn trong hôn nhân, tới lễ khai trương những tòa nhà chọc trời lấp lánh.
Ấn tượng của cử tri về họ hầu như đã được định hình và khó thay đổi. "Chúng ta đang đề cập tới hai con người rất nổi tiếng", David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Obama nói. "Họ đã tạo ra những ấn tượng rất mạnh mẽ".
Chính vì vậy, một khi đã có ấn tượng xấu về họ, cử tri sẽ khó thay đổi cách nhìn. Chưa tới một nửa số cử tri tham gia bầu cử sơ bộ hôm 15/3 nói ông Trump là người trung thực và đáng tin. Ngay tại các bang ông chiến thắng, đa số cử tri cũng không cho rằng ông là người trung thực.
Đối với bà Clinton, dù đại đa số cử tri đảng Dân chủ cho rằng bà trung thực và đáng tin cậy, đối với những cử tri cho rằng sự trung thực là yếu tố quyết định lá phiếu, cựu ngoại trưởng vẫn xếp sau ông Sanders.
Thực tế này đang buộc ông Trump và bà Clinton phải chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực về phía nhau, và không thể tránh khỏi những màn đối đầu quyết liệt nếu hai người trở thành đại diện của đảng mình. Họ đang dự thảo những lời vận động cũng như tranh luận rằng, người kia sẽ là thảm họa cho nước Mỹ, trong khi đề cao vị thế và phẩm chất của mình.
Trong khi bà Clinton có thể nhắm vào những thương vụ làm ăn và sự chính trực của cá nhân ông Trump, tỷ phú có thể khai thác những nghi ngờ về đạo đức trong công việc, chẳng hạn như bê bối dùng email cá nhân khi còn làm ngoại trưởng, hay sự giàu lên nhanh bất thường của bà.
Xem thêm: Chiêu gậy ông đập lưng ông mà Clinton sẽ dùng đối phó Trump
Phản đối
Cử tri đều biết rất rõ những điểm yếu trong lý lịch của cả hai ứng viên, cũng như những mối quan hệ chính trị của họ. Vậy nên, nhiều người bày tỏ sự phản đối một cách rõ ràng và quyết liệt.
Kent Moore, 51 tuổi, cử tri đảng Dân chủ tại thành phố Charlotte, North Carolina không chỉ không thích bà Clinton. Ông còn cho rằng "bà không hề có nền tảng đạo đức".
Cử tri này chỉ ra những ví dụ như bà Clinton ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, khiến nhiều người Mỹ mất việc làm. Đồng thời bà Clinton cũng là người ủng hộ cuộc chiến tại Iraq. "Làm sao bà ấy có thể đánh bại ông Trump với một lý lịch như vậy", ông Moore tự hỏi.
Ngay cả những người bỏ phiếu cho bà Clinton cũng có nhận định không tích cực. Renee White, 31 tuổi, tại thành phố Youngstown, bang Ohio, không hoàn toàn tin rằng bà Clinton quan tâm đến những người như mình. "Rất nhiều người không hề tin tưởng bà ấy chút nào", White nói.
Quan điểm của những người Cộng hòa về ông Trump cũng khắt khe và thiếu thiện cảm không kém. "Quá tục tằn và thô lỗ", là từ cử tri Nikki Heath, 59 tuổi, tại Columbus, Ohio dùng để nói về tỷ phú. Bà Heath ủng hộ thống đốc bang Ohio John Kasich.
"Ông ấy cần phải thay đổi hoàn toàn", Steve Rogers, một kỹ sư tại Ohio nhận xét về Trump.
Video: Trump - Obama phản ứng trái ngược trước người gây rối
Những đánh giá như trên không phải hiếm thấy, và đó là lý do vì sao số lượng đại biểu ngày một lớn mà bà Clinton và ông Trump giành được sau các cuộc bầu cử sơ bộ đang đẩy hai đảng của họ vào tình huống chưa từng có. Nếu hai người trở thành hai ứng viên cuối cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đây sẽ là lần đầu tiên trong ít nhất 1/4 thế kỷ, đa số người Mỹ có quan điểm tiêu cực về cả hai ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đến nay, ông George H. W. Bush là người từng có tỷ lệ cử tri bày tỏ quan điểm tiêu cực cao nhất, với 57%, trong khảo sát tháng 10/1992. Đó là thời điểm ông đã trải qua một nhiệm kỳ đầy khó khăn tại Nhà Trắng. Khi đó, đối thủ của ông Bush là ông Clinton được đa phần cử tri Mỹ ưa thích, với tỷ lệ người có quan điểm tiêu cực chỉ ở mức 38%, theo khảo sát của Gallup.
Việc cả ông Trump và bà Clinton đều không được lòng cử tri đang khiến những người Cộng hòa và Dân chủ tính tới những lựa chọn bất thường trước khi bỏ phiếu.
Lowell P. Weicker Jr., người từng là ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa năm 1980, cho biết ông không đánh giá cao bà Clinton. Nhưng ông thậm chí còn đánh giá ông Trump thấp hơn. "Tôi không thích bà ấy, nhưng tôi thà bỏ phiếu cho bà ấy hơn là ông Trump", ông Weicker nói.
Xem thêm: Chiến dịch 100 ngày đánh du kích Donald Trump
Hoàng Nguyên