Sau khi bị Twitter dán nhãn hai dòng tweet là "vô căn cứ", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/5 thông qua sắc lệnh hành pháp nhằm mục tiêu tước quyền miễn trừ pháp lý của các công ty mạng xã hội, như Twitter, theo Điều 230 Đạo luật Truyền thông Đứng đắn.
Điều này quy định "không bên cung cấp, hay người sử dụng dịch vụ máy tính tương tác nào, bị coi là nhà xuất bản hay phát ngôn viên của bất cứ thông tin nào do người cung cấp nội dung đăng lên".
Do đó, sắc lệnh mới đồng nghĩa với việc các công ty mạng xã hội có thể đối mặt rủi ro pháp lý nếu cho phép đăng nội dung sai lệch hay bôi nhọ. Trump cho biết mục tiêu của ông là chống lại sự thiên vị. "Hiện nay, các mạng xã hội khổng lồ như Twitter nhận được lá chắn bảo vệ chưa từng thấy, dựa trên lý thuyết rằng họ là nền tảng trung lập, nhưng thực tế không phải vậy", ông giải thích.
"Nếu Twitter muốn biên tập và nhận xét bài đăng của người dùng, họ nên bị hủy đặc quyền theo luật liên bang (Điều 230) và buộc phải tuân thủ những quy tắc như mọi nhà xuất bản khác. Công bằng là công bằng", thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, một người ủng hộ Trump, viết trên Twitter.
Tuy nhiên, nếu thiếu "lá chắn" miễn trừ pháp lý, các công ty mạng xã hội sẽ phải mạnh tay hơn trong kiểm soát những thông điệp vượt quá giới hạn. Theo bình luận viên Peter Baker và Daisuke Wakabayashi của NY Times, đây không phải kết quả Trump mong muốn, bởi Tổng thống có lẽ thích tự do đăng bất cứ điều gì mà không bị công ty nào đánh giá.
Các bình luận viên cho rằng logic trong sắc lệnh của Trump khá kỳ lạ, bởi nó tấn công chính điều khoản pháp lý giúp ông lan truyền rộng rãi mọi thông điệp trên tài khoản có 80 triệu người theo dõi, bao gồm cả những điều vô căn cứ mà một công ty bị buộc phải chịu trách nhiệm xuất bản có lẽ sẽ gỡ xuống.
Những tuần gần đây, Trump liên tục đăng tweet cáo buộc Joe Scarborough, người dẫn chương trình trên kênh MSNBC, giết một trợ lý hồi năm 2001 khi ông còn là nghị sĩ. Cảnh sát không tìm thấy chứng cứ phạm tội của Scarborough. Vợ của nạn nhân cũng yêu cầu Twitter xóa các bài đăng của Trump, nhưng công ty từ chối.
"Trớ trêu thay, Trump lại là người được hưởng lợi lớn nhờ Điều 230. Nếu các nền tảng không được miễn trừ theo điều luật này, họ sẽ không mạo hiểm với trách nhiệm pháp lý có thể phải gánh chịu bằng cách cho phép đăng những lời dối trá, bôi nhọ và đe dọa của Trump", Kate Ruane, cố vấn pháp lý cấp cao của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, nhận xét.
"Những người bảo thủ phải trân trọng thực tế rằng mạng xã hội đã thúc đẩy vô số tiếng nói mới thuộc lề phải, giúp họ nhận được hàng triệu người theo dõi và hàng tỷ lượt xem. Mạng lưới tác động của nền tảng này vô cùng tích cực", Patrick Hedger, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh, nhận định.
Thêm vào đó, nhiều luật sư cho rằng Trump đang thực hiện một việc mà ông không có thẩm quyền, động thái về cơ bản là sửa đổi cách giải thích Điều 230. Một số quan chức chính phủ cũng cho rằng sắc lệnh của Trump khó có thể thực thi.
"Đây là việc làm vô ích. Mạng xã hội có thể gây bực bội, nhưng một sắc lệnh hành pháp biến Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) thành cảnh sát phát ngôn cho Tổng thống không phải là giải pháp. Đã đến lúc những người ở Washington lên tiếng vì Tu chính án thứ nhất", Jessica Rosenworcel, thành viên FCC, nêu ý kiến.
Tu chính án thứ nhất trong hiến pháp Mỹ giúp bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội và kiến nghị. Theo đó, bất kỳ nỗ lực chỉnh đốn công ty mạng xã hội nào về nội dung trên trang web cần được quốc hội Mỹ thông qua và gần như chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức pháp lý mạnh mẽ. Giới chuyên gia cho rằng FCC không có thẩm quyền với các công ty internet như Twitter.
Đạo luật Truyền thông Đứng đắn được thông qua vào "buổi bình minh" của kỷ nguyên thông tin hiện đại, ban đầu nhằm giúp các trang web ngăn chặn nội dung khiêu dâm dễ dàng hơn. Điều 230 giúp các công ty điều hành trang web được miễn trừ pháp lý được coi là "điều khoản đã tạo ra internet".
Kể từ khi Điều 230 được cựu tổng thống Bill Clinton ký thông qua, các tòa án đã nhiều lần gạt bỏ những nỗ lực "lách luật", viện dẫn một loạt giải thích về quyền miễn trừ. Vài năm gần đây, hệ thống tòa án chìm trong những lá đơn tố cáo các công ty mạng xã hội chặn tài khoản hoặc nội dung của người dùng.
Đó là lý do Trump có thể đối mặt khó khăn khi thực thi sắc lệnh. Daphne Keller, giảng viên Trường Luật Stanford, đánh giá sắc lệnh dường như "95% là luận điệu chính trị, không có ảnh hưởng về pháp lý và mâu thuẫn với những phán quyết của tòa án", nói thêm rằng nó có khả năng bị quy là lạm dụng quyền lực, vi phạm các quyền nêu trong Tu chính án thứ nhất.
Eric Goldman, giáo sư tại Đại học Santa Clara, cũng cho rằng sắc lệnh "không có chút cơ hội nào tại tòa án", nhưng nó vẫn thể tạo ra một số tác động cho tới khi tầm ảnh hưởng chạm được tới hệ thống tư pháp. "Điều 230 gây rất nhiều tranh cãi. Sắc lệnh này giống như đổ thêm dầu vào lửa", Goldman cho hay.
Trái với tòa án, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như đều không đứng về phía các công ty mạng xã hội. Phe Cộng hòa cáo buộc họ kiểm duyệt những tiếng nói bảo thủ, vi phạm tinh thần của luật pháp rằng internet nên là nơi đa dạng chính trị. Trong khi đó, phe Dân chủ chỉ trích các công ty không loại bỏ được hết những nội dung có vấn đề.
Jeff Kosseff, giáo sư luật an ninh mạng tại Học viện Hải quân Mỹ, tin rằng Điều 230 sẽ bị quốc hội bãi bỏ trong vài năm tới. Theo ông, internet vào năm 1996, khi luật được đưa ra để bảo vệ các start-up, không còn giống với bây giờ. Nhiều hãng công nghệ được bảo vệ theo đạo luật đã trở thành những công ty giá trị nhất thế giới.
Bất chấp những trở ngại về pháp lý, chuyên gia Jeffrey Westling tại Viện R Street, một tổ chức nghiên cứu chính sách công, đánh giá sắc lệnh của Trump vẫn có thể khiến các công ty mạng xã hội e dè.
"Các công ty có khả năng vượt qua bất cứ thách thức nào, nhưng không ai muốn đối mặt với kiện tụng. Họ sẽ tự hỏi rằng liệu có nhất thiết phải dán nhãn vào một bài đăng sai lệch lần tới của Tổng thống hay không", Westling nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)