Sau gần ba tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", thiệt hại mà các loại vũ khí phòng không vác vai gây ra đã làm dấy lên tranh luận về mức độ dễ tổn thương của khí tài hạng nặng trên chiến trường hiện đại, đặc biệt là trực thăng vũ trang.
Trực thăng từ lâu được quân đội nhiều nước coi là một phần không thể thiếu trong kế hoạch cơ động và tác chiến của họ. Tuy nhiên, trong bài viết trên tạp chí Aviation Week, chuyên gia quân sự Sash Tusa cho rằng những gì mà công nghệ cảm biến và vũ khí phòng không vác vai thể hiện ở Syria cho thấy trực thăng quân sự đang có nguy cơ trở nên lỗi thời.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng đổ bộ đường không (VDV) thiện chiến của Nga đã dùng trực thăng đổ bộ xuống căn cứ không quân Hostomel, gần thủ đô Kiev.
Hàng chục trực thăng vận tải Mi-8 được trực thăng tấn công Ka-52 hộ tống đưa quân nhân Nga tới sân bay Hostomel. Tuy nhiên, lực lượng Nga sau đó không thể dùng trực thăng tăng viện cho các đơn vị tại Hostomel khi vấp phải hỏa lực phòng không của Ukraine, khiến chiến dịch đổ bộ xuống Hostomel thất bại.
Trực thăng Nga tấn công sân bay Hostomel gần Kiev ngày 24/2. Video: NY Times.
Chuyên gia Tusa cho rằng thất bại trong chiến dịch đổ bộ của Nga vào Hostomel, vốn được triển khai tương tự cách tác chiến đường không của Mỹ và các lực lượng quân đội mạnh khác, đã "gây cú sốc cho nhiều nhà quan sát".
Chiến dịch đổ bộ nhanh chóng và tưởng như hoàn hảo này lại bị quân đội Ukraine phá vỡ bằng pháo phòng không và tên lửa vác vai, khiến trực thăng Nga không thể chi viện cho lực lượng đánh chiếm đầu cầu ở Hostomel. Thất bại này cũng đã ngăn Nga tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường không bằng trực thăng tương tự trong gần 4 tháng giao tranh ở Ukraine.
Theo giới chuyên gia, không phận Ukraine tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đối với trực thăng lẫn tiêm kích. Cả quân đội Nga và Ukraine đều sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa như S-300, khiến các chuyến bay tầm cao trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, các hệ thống phòng không vác vai khiến phi công khó hoạt động ở độ cao dưới 3.000 m.
Trong số các vũ khí phòng không cá nhân mà Ukraine sử dụng có tên lửa FIM-92 Stinger của Mỹ, được coi là một trong những "khắc tinh" với các dòng trực thăng quân sự hiện nay. Họ cũng biên chế một số tên lửa phòng không vác vai do Liên Xô phát triển như 9K32 Strela-2 và 9K34 Strela-3, vốn rất hiệu quả trong tác chiến chống trực thăng.
Trực thăng vũ trang Ka-52 không kích cứ điểm và thiết giáp Ukraine trong video công bố ngày 18/6. Video: BQP Nga.,
Nga chưa công bố số trực thăng bị mất trong chiến dịch quân sự đặc biệt, song các chuyên gia phương Tây ước tính con số này có thể lên tới gần 200. Trong khi đó, Ukraine mất khoảng 130 trực thăng trong giao tranh.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng tác chiến ban ngày là lý do khiến hai bên tham chiến chịu tổn thất lớn về trực thăng. Không quân Nga và Ukraine đều không có năng lực tác chiến ban đêm mạnh như của Mỹ, buộc phi công phải chấp nhận mạo hiểm cất cánh vào ban ngày, bất chấp mối đe dọa từ các loại tên lửa phòng không vác vai của đối phương.
Trong khi đó, trực thăng của Nga lẫn Ukraine đều không có các biện pháp đối phó mạnh mẽ để chống lại mối đe dọa từ tên lửa vác vai.
Greg Coker, cựu phi công trực thăng vũ trang hạng nhẹ AH-6 của Mỹ, cho rằng trực thăng Nga và Ukraine "không có thiết bị tiên tiến nhằm đảm bảo khả năng sống sót của máy bay, cũng như công nghệ tác chiến điện tử để đối phó" với tên lửa.
Cựu phi công này cho rằng để giảm thiểu nguy cơ, trực thăng Ukraine và Nga cần sử dụng địa hình và tốc độ để né tránh hỏa lực phòng không đối phương. "Phải bay thấp và nhanh, liên tục đổi hướng", Coker nói về yếu tố sống còn với trực thăng trên chiến trường.
"Họ nên tận dụng địa hình sẵn có hoặc bay tới độ cao cho phép trực thăng nằm ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không vác vai", Coker nói. "Họ cũng cần phối hợp yểm trợ hỏa lực tốt hơn với lực lượng mặt đất hoặc chỉ sử dụng trực thăng khi thật sự cần thiết".
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng chiến sự tại Ukraine mang đến bài học quan trọng cho mọi lực lượng quân đội, trong đó có Mỹ. Trong các cuộc chiến trước đây, trực thăng Mỹ chủ yếu tham chiến sau khi tiêm kích đã làm chủ tuyệt đối bầu trời, khiến mối đe dọa với trực thăng giảm rõ rệt.
"Nhưng trong một cuộc xung đột với các đối thủ ngang hàng như Nga hay Trung Quốc, phi công trực thăng Mỹ sẽ phải tìm cách thức tác chiến mới hiệu quả hơn, trong môi trường giao tranh mà đối thủ có năng lực phòng không mạnh", bình luận viên Stavros Atlamazoglou của Business Insider nhận định.
![Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 110 ngày giao tranh. Đồ họa: Washington Post.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/22/556318717813726672a-Ukraine-Ng-7400-5941-1655883339.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d3xrRwlm9H2ktjWEyKzH-g)
Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 110 ngày giao tranh. Đồ họa: Washington Post.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)