Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Ukraine hôm 27/12 cho thấy trinh sát cơ E-8C JSTARS của không quân Mỹ xuất hiện trên bầu trời vùng Donbass ở miền đông Ukraine, khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát và nằm sát biên giới phía tây Nga.
Dữ liệu theo dõi hàng không dân sự xác nhận chiếc E-8C mang hô hiệu "REDEYE6" xuất phát từ căn cứ Ramstein ở Đức và bay nhiều vòng trên bầu trời Donbass. Giới chuyên gia quân sự Mỹ không chắc liệu đây có phải lần đầu trinh sát cơ JSTARS làm nhiệm vụ trong khu vực hay không, nhưng khẳng định đó là lần xuất hiện đầu tiên trong thời gian gần đây.
Một trinh sát cơ RC-135V Rivet Joint mang hô hiệu "HOMER19" xuất phát từ đảo Crete của Hy Lạp đến không phận miền trung Ukraine cùng thời gian, có lúc cách bầu trời vùng Donbass trên dưới 60 km.
Giới chuyên gia cho rằng sự xuất hiện cùng lúc của máy bay JSTARS và Rivet Joint cho thấy không quân Mỹ đang kết hợp tính năng của chúng để thu thập tối đa thông tin tình báo về hoạt động của lực lượng Nga bên kia biên giới.
E-8C JSTARS được trang bị hàng loạt cảm biến tối tân, chuyên làm nhiệm vụ do thám, chỉ huy và kiểm soát chiến trường. Máy bay có thể vẽ hình ảnh mặt đất nhờ radar khẩu độ tổng hợp và bám bắt các phương tiện di chuyển trên mặt đất từ khoảng cách nhiều km, sau đó chuyển thông tin tới bộ chỉ huy.
Trong khi đó, RC-135V/W Rivet Joint là máy bay chuyên thu thập thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT), được mệnh danh là "trinh sát cơ nghe trộm" bởi khả năng chặn thu liên lạc và định vị nguồn phát tín hiệu vô tuyến của đối phương. Mỗi chiếc Rivet Joint đơn lẻ có thể phát hiện tín hiệu khả nghi và thường kết hợp với những loại trinh sát cơ khác để định vị đối phương.
Ngoài khả năng nghe trộm, RC-135V/W cũng có thể hỗ trợ xây dựng "đội hình chiến đấu điện tử" của đối phương, trong đó xác định vị trí phân bố các đài radar, sở chỉ huy và hệ thống thu phát vô tuyến.
"Chiếc E-8C có thể vạch lộ trình di chuyển của phương tiện cơ giới Nga, trong khi máy bay RC-135V định vị liên lạc, xác định các đài radar và những hệ thống vô tuyến khác", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Đợt triển khai diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine gần đây leo thang, biến điểm nóng này thành một "ngòi nổ" xung đột ở châu Âu. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.
Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 cho rằng NATO đã ép Nga tới sát lằn ranh và khiến Moskva không còn đường lùi, cảnh báo nước này có nhiều phương án đáp trả nếu phương Tây khước từ các đề xuất bảo đảm an ninh.
Vũ Anh (Theo Drive)