Trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Mỹ đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh Đông Âu vào đầu năm tới.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng về tổng thể, chúng tôi đang thấy một phản ứng tích cực", Putin nói. "Các đối tác Mỹ nói rằng họ đã sẵn sàng cho các cuộc thảo luận vào đầu năm tới tại Geneva".
Giới quan sát cho rằng thông điệp này của Putin mang âm hưởng lạc quan hơn một chút so với hai ngày trước, khi ông tuyên bố Nga sẵn sàng đáp trả bằng "biện pháp kỹ thuật quân sự" với những hành vi không thân thiện để đảm bảo an ninh quốc gia, khi căng thẳng với Ukraine và phương Tây gia tăng.
Tuy nhiên, Putin ngay sau đó từ chối loại trừ khả năng tấn công Ukraine, nói thêm rằng Nga sẽ không cho phương Tây nhiều thời gian để giải quyết những lo ngại về an ninh của họ.
"Chính Mỹ đã mang tên lửa đến cửa nhà chúng tôi", Putin trả lời câu hỏi của một phóng viên Anh về khả năng loại trừ hành động quân sự nhắm vào Ukraine. "Các ông yêu cầu tôi đưa ra một số đảm bảo, thì các ông cũng nên cho chúng tôi sự đảm bảo. Chính các ông. Ngay bây giờ và ngay lập tức".
Những thông điệp vừa xoa dịu, vừa răn đe kiểu "tung hỏa mù" của Putin về Ukraine là minh chứng cho thấy cách Tổng thống Nga có thể kiểm soát câu chuyện về tình hình căng thẳng ở Đông Âu và khiến phương Tây không ngừng dò đoán ý định thực sự của ông, theo các bình luận viên của NY Times.
Đồng thời, những tuyên bố của Putin cùng với động thái triển khai lượng lớn binh sĩ gần biên giới Ukraine đã giúp ông đảm bảo điều tìm kiếm từ lâu: sự chú ý của Washington đối với các vấn đề mà Moskva lo ngại nhiều năm qua.
Trước đó, nhiều quan chức Nga đã lo ngại rằng các căn cứ phương Tây ngày càng mở rộng về phía đông, gần biên giới Nga, là một mối đe dọa với an ninh đất nước.
Tuần trước, Nga công bố một dự thảo thỏa thuận an ninh 8 điểm, được coi như "tối hậu thư" với phương Tây, trong đó yêu cầu NATO không mở rộng thêm về phía đông hay triển khai các khí tài chiến lược trên lãnh thổ Ukraine.
NATO nhanh chóng từ chối các yêu cầu này, trong khi một quan chức cấp cao chính quyền Biden cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga vào tháng 1, miễn là Moskva dừng các hành động khiêu khích như đưa thêm quân tới biên giới Ukraine.
Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Nga đã triển khai hàng chục nghìn binh lính gần biên giới Ukraine, với kế hoạch tập hợp một lực lượng lên tới 175.000 người. Điều này khiến Mỹ và phương Tây lo ngại Nga có thể phát động một cuộc chiến tổng lực vào lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Nga tuyên bố cáo buộc này "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Các bình luận viên của NY Times cho rằng thông điệp tích cực của Putin về các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra với Mỹ cho thấy khả năng Nga tấn công vào lãnh thổ Ukraine sẽ không xảy ra. Nhưng giới chức tình báo Mỹ gần đây cho rằng nếu Putin có kế hoạch này, ông cũng không thể tiến hành trước cuối tháng 1. Quân đội Nga sẽ phải mất thời gian tập trung đủ quân số và cũng phải chờ mặt đất đóng băng để xe tăng không bị nhấn chìm trong bùn lầy ở miền đông Ukraine.
Sam Charap, nhà phân tích an ninh Nga tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation ở Mỹ, tin rằng Tổng thống Putin đang thúc đẩy đàm phán với Mỹ để "câu giờ" cho các hoạt động quân sự tương lai.
"Tôi không thấy các cuộc đàm phán như vậy có khả năng tạo ra kết quả tích cực trong khung thời gian được đề xuất", Charap nói.
Nhà phân tích của RAND thêm rằng chi phí duy trì một lực lượng quân sự quy mô lớn ở khu vực biên giới có thể buộc Tổng thống Putin ra quyết định sớm. "Bạn không thể triển khai một lượng lớn binh sĩ đồn trú bên ngoài căn cứ trong nhiều tháng", ông nói.
Nhưng đây cũng chỉ là phỏng đoán của giới tình báo Mỹ và các nhà phân tích phương Tây, trong khi Putin chưa hé lộ bất cứ ý định thực sự nào của mình.
Để đối phó, giới chức Mỹ nói rằng họ đang phối hợp với các đồng minh châu Âu để chuẩn bị những biện pháp trừng phạt đồng bộ, quy mô lớn nhằm vào Nga nếu nước này có bất cứ hành động quân sự nào với Ukraine. Tuy nhiên, không rõ liệu các lệnh trừng phạt có tác động tới Putin hay không, khi ông từng nói rằng Nga đã quen sống chung với lệnh trừng phạt của phương Tây suốt nhiều năm qua.
Trong một dấu hiệu "tung hỏa mù" khác, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov trong hai ngày qua đã trao đổi với chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và người đồng cấp Anh Tony Radakin. Nhưng hôm qua, Nga lại thông báo tổ chức một cuộc tập trận nhảy dù quy mô ở bán đảo Crimea, ngay sát Ukraine.
Khi nói Mỹ "đưa tên lửa đến trước cửa nhà", Putin dường như ám chỉ hệ thống phòng thủ tên lửa NATO đang triển khai ở Ba Lan và Romania. Ông từng cáo buộc các hệ thống này có thể được sử dụng cho mục đích tấn công và có thể sớm được bố trí ở Ukraine. Các quan chức phương Tây bác bỏ cáo buộc, lưu ý rằng tên lửa đánh chặn chỉ được sử dụng để đẩy lùi các cuộc tấn công.
Quan chức Mỹ cho rằng rút hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước thành viên NATO sẽ làm suy yếu an ninh châu Âu. Họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục trang bị vũ khí phòng thủ cho Ukraine, trong đó có tên lửa chống tăng Javelin. Nhưng vì Ukraine không phải thành viên NATO, Mỹ và châu Âu không thể bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa hay vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Cuộc họp báo thường niên ngày 23/12 là một minh chứng cho thấy Putin nỗ lực xây dựng hình ảnh như một lãnh đạo mạnh mẽ, bền bỉ, có thể giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong nước và quốc tế. Khi được hỏi về nguy cơ một cuộc chiến nổ ra lớn đến mức nào, Putin đã dẫn lại câu chuyện lịch sử từ thời Liên Xô.
Ông cho rằng Ukraine có thể được xem như một phần lịch sử của Nga thời kỳ Xô Viết. Sau khi Liên Xô tan rã, Moskva chấp nhận mất phần lãnh thổ này, miễn là Ukraine trung lập. Tuy nhiên, Putin tuyên bố Nga không thể chấp nhận để quân đội nước ngoài đặt căn cứ ở những khu vực lịch sử đó.
"Họ đang tạo ra ngay trên chính lãnh thổ này một lực lượng chống Nga, liên tục cung cấp vũ khí hiện đại và tẩy não người dân", Putin nói. "Từ góc độ lịch sử, các bạn nghĩ Nga sẽ chấp nhận phải luôn bất an với những vũ khí mới được đưa tới đó hay sao?"
Thanh Tâm (Theo NY Times)