Thành tích này giúp Trịnh Đình An trở thành bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chạy full marathon sub2:40. Đồng thời anh cũng là runner thuần phong trào (chưa từng khoác áo chuyên nghiệp) thứ ba đạt mốc này, sau Hứa Thuận Long và Đặng Anh Quyết. "Đây là cột mốc tôi chưa bao giờ dám mơ tới", Trịnh Đình An chia sẻ sau khi phá kỷ lục cá nhân. Anh nói thành tích này có được nhờ tính kiên trì, kỷ luật của bản thân và sự ủng hộ từ gia đình.
VnExpress Marathon Hải Phòng 2023 đã trôi qua hơn một tuần, song khi nhớ về cuộc đua Đình An vẫn còn cảm giác lâng lâng. 3h sáng anh ra khỏi khách sạn đến điểm xuất phát, nhiệt độ hạ xuống 11 độ C, báo hiệu một ngày thi đấu thuận lợi. "Thời tiết bước đầu quá tốt. Trong đầu tôi có nghĩ đến PR, nhưng chỉ mong đạt 2 tiếng 42. Rút được 2 phút là mãn nguyện", anh cho biết.
Để có một vị trí xuất phát thuận lợi, Đình An cố gắng chen lên hàng đầu tiên. Đứng cạnh anh là loạt elite như Hứa Thuận Long, Vũ Đình Duân, Đông Định, Trịnh Quốc Lượng... Khi MC ra hiệu lệnh, dòng người lao về phía trước, anh cũng bị cuốn theo Hứa Thuận Long - người sau đó vô địch chung cuộc. Nhìn đồng hồ thấy đối thủ chạy pace 3:36, bác sĩ giật mình, lo sợ kịch bản "đụng tường" ở giải Hanoi Midnight 2022 lặp lại, nên rút xuống pace 3:50.
Năm ngoái tại Hanoi Midnight, Đình An chạy gắng sức và quá tải do thi đấu nhiều, anh DNF ở km số 37. "Năm nay, cũng tại Hà Nội kịch bản này suýt lặp lại khiến tôi không đạt mục tiêu nên thận trọng lắng nghe cơ thể. Hải Phòng là giải cuối cùng trong năm, nếu sai, tôi phải chờ thêm một năm nữa", anh chia sẻ.
Giảm tốc độ không lâu, Trịnh Đình An bị nhóm Đỗ Văn Hoàng, Vũ Đình Duân, Trương Văn Quân, Đào Bá Thành đuổi kịp. Sau vài nhịp chân, Hoàng lên dẫn top. Trước đua anh cùng Đỗ Văn Hoàng đã khảo sát cung đường, bàn bạc chiến thuật phân phối sức nên khá an tâm bám theo đoàn tàu này. Tuy nhiên vào race Hoàng hưng phấn, từ km số 6 anh đẩy tốc độ nhanh hơn, có những lúc bỏ xa Trịnh Đình An đến 50 m.
"Nhiều lần tôi vượt lên vỗ vai Hoàng nhắc chậm lại kẻo gãy, nhưng bạn ấy tiếp tục giữ tốc độ cao. Cách đó ba tuần tôi từng hụt mục tiêu do chạy một mình nên đành đi theo tàu này", nam runner kể. Theo dõi livestream cuộc đua ở Hải Phòng hôm 17/12 có thể thấy, Văn Hoàng, Đình An, Đình Duân và Văn Quân bám sát nhau trong phân nửa thời gian. Đến km thứ 28 Trương Văn Quân tụt lại, cuộc đua của top hai chỉ còn 3 người.
Thấy đồng hồ báo hoàn thành 21 km đầu khi chưa đến 1 tiếng 20 phút, trong đầu Trịnh Đình An thoáng nghĩ đến con số sub2:40. Tuy nhiên cuộc đua marathon chỉ thực sự bắt đầu từ sau km số 32 nên anh vẫn cẩn trọng.
Qua cột mốc đó thấy cơ thể vẫn còn sức, anh tự tin bứt lên. "Lúc đó tôi chỉ kịp nói với Duân và Hoàng một câu 'anh em cố lên, sub2:40 trong tầm tay rồi' và vượt lên tách nhóm này", Trịnh Đình An kể lại.
Những tưởng ngôi á quân đã cầm chắc, nhưng đến km số 37, tân binh của làng marathon, HCV SEA Games 32 cự ly ngắn - Lương Đức Phước vượt lên với pace 3:40. Đình An bị bỏ lại. "Tôi cố bám theo nhưng thấy quá sức nên bỏ qua và tiếp tục chạy một mình", anh nói. Chấp nhận chịu thua Phước, vị trí thứ ba của Trịnh Đình An tiếp tục bị đe dọa khi cách đích khoảng 600 m, Vũ Đình Duân bám phía sau.
"Duân cách tôi chưa đến 100 m, nếu cứ duy trì pace 3:45 có lẽ sẽ bị vượt nhưng tôi không còn sức bứt thêm. May thay gần đích có một đoạn dốc nhỏ, Duân có hiện tượng chuột rút không thể đẩy pace, tôi đổ dốc với pace 3:31, cán đích trước 9 giây", Trịnh Đình An kể.
Thành tích 2 tiếng 38 phút 39 giây giúp Trịnh Đình An giành ngôi vị thứ ba chung cuộc, phá kỷ lục cá nhân cũ gần 6 phút. Theo nam runner, thời tiết lạnh, xuôi gió và cung đường bằng phẳng, mặt đường đẹp là những điểm cộng lớn. Hơn nữa, việc Duân, Hoàng chạy nhanh hơn dự tính một mặt là thách thức, nhưng mặt khác tạo thêm động lực để bác sĩ bước qua giới hạn bản thân.
Bên cạnh đó, anh nói việc đánh giá cung đường trước race đóng góp đến trên 60% thành công. "Chưa có giải nào tôi đi test route và đưa ra đánh giá trước race như Hải Phòng, vì sợ thất bại như hai giải chạy đêm Hà Nội năm ngoái và năm nay", anh nói.
Ngoài Trịnh Đình An, tại Hải Phòng, có ba bác sĩ khác cũng đạt thành tích sub3 là: Đinh Huỳnh Linh - 2 tiếng 42 phút 58 giây (Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Đại học Y Hà Nội); Đoàn Trọng Tú - 2 tiếng 54 phút 7 giây (Trưởng khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K Trung ương) và Đặng Đức Toán - 2 tiếng 48 phút 17 giây (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình).
Đình An hiện là bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai, Hà Nội. Anh đồng thời sở hữu một phòng khám răng hàm mặt và bố của 4 người con. Anh đến với chạy bộ từ năm 2020 với mục đích giảm cân. Công việc ở viện, phòng khám và thời gian cùng vợ chăm con khiến lịch trình trong ngày gần như kín. Nhưng chạy bộ vẫn là phần quan trọng, không thể thiếu mỗi ngày của bác sĩ.
Một ngày của anh bắt đầu từ 4h bằng việc xỏ giày ra đường chạy. Hoàn thành bài tập theo giáo án, nam runner gấp rút về nhà, kịp lúc 6h để chuẩn bị cho bốn bé đi học. Chiều sau khi đón con đi học về, anh tiếp tục tập bổ trợ. Những hôm phải trực, Đình An tranh thủ lúc xong ca vào sáng sớm, ra sân vận động ngay cạnh cơ quan và rồi chạy chạy. Anh nói nếu không có sự ủng hộ và thấu hiểu của vợ cùng gia đình có lẽ một bác sĩ không thể đạt cột mốc này.
Sau khi giảm từ 90 kg xuống 65 kg, thành tích của bác sĩ ngày càng tiến bộ. Năm 2022, từ tháng 3 đến tháng 11, Trịnh Đình An liên tục dự giải cự ly full marathon và lọt top lứa tuổi, chung cuộc.
Tiếp đà hưng phấn, tháng 10 và 11 năm ngoái, cách hai tuần nam runner dự một giải. Thi đấu nhiều khiến cơ thể quá tải, không kịp hồi phục, An gục ngay trên đường về đích Hanoi Midnight. Sau giải đó, anh nhận ra những điểm chưa hợp lý và điều chỉnh chiến thuật đi race cũng như chiến thuật thi đấu.
"Năm qua tôi chỉ tham dự vài giải trọng tâm, cho cơ thể nhiều thời gian hồi phục hơn, nhờ vậy mà cuối năm kết quả vượt xa sự mong đợi", anh chia sẻ. Tuy nhiên anh cũng đánh giá PR này quá sâu và bất ngờ, để bứt phá sẽ rất khó. Vì vậy trong năm sau, Trịnh Đình An tiếp tục điều chỉnh kế hoạch dự giải.
Thanh Lan