"Các lực lượng thù địch, trong đó có Mỹ, gần đây tung tin về thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga. Tôi muốn làm rõ một điều, đó là Triều Tiên chưa từng xuất khẩu vũ khí và đạn dược cho Nga, cũng như không có kế hoạch nào như vậy trong tương lai", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời Cục phó Cục Trang bị thuộc Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết hôm 21/9, nhưng không nêu tên quan chức này.
Quan chức này khẳng định nghiên cứu, sản xuất và sở hữu vũ khí quân sự, cũng như xuất nhập khẩu khí tài với nước khác là quyền hợp pháp của mọi quốc gia có chủ quyền.
"Tôi không biết họ lấy giả thuyết buôn bán vũ khí vô lý này từ đâu, nhưng mục đích chính vẫn là bôi xấu hình ảnh Triều Tiên. Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động tung tin bôi xấu Triều Tiên nhằm theo đuổi mục tiêu chính trị xấu xa. Tốt nhất là Mỹ nên giữ im lặng và ngừng tung ra những tin đồn ngớ ngẩn như vậy", quan chức Triều Tiên nói thêm.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hồi đầu tháng cho rằng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu quả đạn pháo và rocket từ Triều Tiên. Hãng thông tấn AP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc này cho thấy quân đội nước này "tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trầm trọng" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, một phần do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Ngoài thông tin trên, tình báo Mỹ còn nhận định Moskva có thể tiếp tục mua thêm thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng trong tương lai.
Giới chức Nga sau đó bác bỏ thông tin nước này tìm mua vũ khí Triều Tiên. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia yêu cầu Mỹ chứng minh cáo buộc nước này mua khí tài Triều Tiên để sử dụng ở Ukraine, hoặc thừa nhận cung cấp thông tin sai.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 6/9 cho biết chưa có dấu hiệu Nga mua hoặc chuyển đạn pháo và rocket Triều Tiên tới Ukraine. "Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy hoạt động mua bán đã được thực hiện, do đó rất khó để nói rằng điều này thật sự diễn ra thế nào", Kirby nói.
Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, trong bối cảnh phần lớn châu Âu và phương Tây áp lệnh trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở Ukraine và gọi chính sách "bá quyền" của phương Tây là lý do Nga phải mở chiến dịch quân sự để tự vệ.
Triều Tiên hồi tháng 7 trở thành nước thứ ba sau Nga và Syria công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Đại sứ Triều Tiên tại Moskva gần đây cũng gặp phái viên từ Donetsk và Lugansk, trong đó bày tỏ lạc quan về hợp tác trong lĩnh vực lao động di cư. Triều Tiên cho biết có thể đưa công nhân tới hai vùng do phe ly khai kiểm soát ở đông Ukraine để tái thiết.
Vũ Anh (Theo KCNA)