"Điều không nên bỏ qua là âm mưu đen tối của Mỹ nhằm giữ vị thế bá quyền ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tạo ra 'NATO phiên bản châu Á', ẩn sau sự gắn kết đáng lo ngại giữa Nhật Bản và NATO", hãng thông tấn trung ương KCNA hôm nay dẫn lời Kim Sol-hwa, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu Kim, các mối quan hệ quân sự "chưa từng có" của Nhật Bản với NATO, như việc hai bên muốn đặt văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, đã tạo ra hàng loạt lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Nhà nghiên cứu cáo buộc Mỹ có ý đồ "nham hiểm", muốn bao vây Trung Quốc và Nga bằng cách "lôi kéo" Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác vào các khối hợp tác an ninh rồi liên kết với NATO. Quan chức lên án Nhật Bản vì tìm cách trở thành "gã khổng lồ quân sự", cảnh báo Tokyo đối mặt hậu quả nặng nề nếu tiếp tục theo đuổi chính sách này.
Giới chức Nhật Bản chưa bình luận về thông tin.
NATO và Nhật Bản tuần trước xác nhận đang đàm phán để lập văn phòng đại diện ở Tokyo, cơ sở đầu tiên của liên minh quân sự tại châu Á. Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 10/5 cho biết Tokyo phải đánh giá lại an ninh khu vực, bởi thế giới ngày càng bất ổn, từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Trung Quốc cũng chỉ trích động thái, cho rằng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần "cảnh giác cao độ" đối với NATO, cáo buộc liên minh đe dọa hòa bình và ổn định tại khu vực. Theo Bắc Kinh, châu Á là "một vùng đất hứa hẹn của hợp tác và phát triển, không nên trở thành một đấu trường địa chính trị".
Nhật Bản gần đây chủ động tăng cường hợp tác với NATO. Năm 2022, Thủ tướng Fumio Kishida trở thành lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau đó quyết định lập phái đoàn ở NATO, tách biệt với đại sứ quán của Tokyo tại Brussels.
Như Tâm (Theo Yonhap)