BS.CK1 Lê Thị Huyền Trang, Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Nội Tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết trong các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ não cấp là hai nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam ước tính có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch, cao hơn số tử vong do bệnh lý ung thư, và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đáng chú ý, tỉ lệ mới mắc các bệnh lý tim mạch tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.
Cả hai bệnh lý đều là hậu quả của tổn thương trên mạch máu, cụ thể là động mạch, cần phải được chăm sóc y tế, phát hiện chẩn đoán sớm và kịp thời để tránh biến chứng dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng về sau.
Dấu hiệu nhận biết hai tình trạng trên, như sau:
Nhồi máu cơ tim
Hầu hết trường hợp nhồi máu cơ tim là hậu quả tổn thương tiến triển của động mạch vành (CAD - Coronary Artery Disease). Trong bệnh lý động mạch vành, những động mạch cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn từ mảng bám do chất béo tích tụ gọi là mảng xơ vữa.
Khi các mảng xơ vữa bị vỡ ra, cục máu đông được hình thành và ngăn dòng máu chảy đến nuôi cơ tim. Cơ tim không được nhận đủ máu dưới chỗ động mạch vành bị tắc nghẽn sẽ bị tổn thương dẫn đến hoại tử.
Tình trạng này biểu hiện bằng những triệu chứng như đau ngực hoặc cơn thắt ngực, thường lệch trái hoặc giữa ngực, sâu bên trong, cảm giác đè ép hay bóp chặt. Đau vai và cánh tay đột ngột không giải thích được, có thể lan lên cổ, hàm dưới. Bệnh nhân khó thở, chóng mặt, nôn, khó chịu vùng thượng vị. Nặng nhất, người bệnh có thể đột ngột bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở.
Đột quỵ
Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra các mô xung quanh, hoặc khi có cục máu đông hoặc mảng xơ vữa mạch máu gây tắc nghẽn, ngăn cản máu lưu thông lên não.
Vỡ mạch máu hay tắc nghẽn mạch máu đều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu đến nuôi phần não sau chỗ động mạch bị tắc hoặc vỡ, gây ra hiện tượng rối loạn chức năng thần kinh, như đột ngột chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đi lại hay phối hợp cơ thể khó khăn. Bệnh nhân cảm thấy yếu hoặc tê ở chân tay hoặc mặt ở một bên cơ thể. Đau đầu dữ dội, có thể kèm nôn ói; mờ một hoặc cả hai mắt. Người bệnh nói khó, lời nói lắp bắp hoặc bị ngọng; khó khăn trong hiểu ý người khác.
Theo bác sĩ Trang, nếu tình trạng bệnh chưa nặng, các biểu hiện nhồi máu cơ tim và đột quỵ khác nhau và có thể phân biệt được do tim hay do não. Tuy nhiên, khi đã chuyển nặng, bệnh nhân ngưng tim, hôn mê, ngưng thở thì khó biết là nguyên nhân gì.
Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa bệnh là cần thiết nhằm hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ. Nên duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tập luyện thể dục đều đặn, giảm ăn thức ăn nhiều chất béo, giảm mặn.
Khám kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng và các xét nghiệm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ: ECG phát hiện dấu hiệu thiếu máu cơ tim, loạn nhịp; siêu âm tim; xét nghiệm mỡ máu, đường huyết, huyết áp cao... để phòng ngừa biến cố.
Mỹ Ý