Trả lời:
Cúm A và cúm B đều là cúm mùa, lây truyền qua đường hô hấp từ các giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện... Trong đó cúm A phổ biến hơn, gây ra khoảng 75% ca mắc và là nguyên nhân bùng phát dịch cúm trên thế giới. Như trong mùa cúm 2023-2024, CDC Mỹ đã xét nghiệm hơn 3,9 triệu mẫu bệnh phẩm virus cúm, phát hiện 69,2% là cúm A, còn cúm B chiếm 30,8%.
Cúm A có thể lây từ động vật, bao gồm cả chim, sang người, trong khi cúm B chỉ phát triển ở người. Để xác định chủng cúm gây bệnh, cần thực hiện các xét nghiệm như PCR, phân lập virus.
Cả cúm A và cúm B đều gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, hắt hơi, đau họng... Ngoài triệu chứng đường hô hấp, trẻ nhỏ có thể buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Cúm thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
Trong đó, cúm A có xu hướng nghiêm trọng hơn và phổ biến hơn ở người lớn trong khi đó cúm B phổ biến và nghiêm trọng hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ mắc các bệnh nền mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch...
Cả cúm A và cúm B đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim. Trẻ nhỏ, mẹ bầu, người cao tuổi và mắc các bệnh lý mạn tính như suy tim, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, các triệu chứng cúm có thể kéo dài và tăng nguy cơ gặp biến chứng hơn.
Tại Việt Nam, cúm diễn ra quanh năm, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc vào mùa đông xuân. Bệnh thường khỏi trong 2-7 ngày, song có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Hồi tháng 11, Việt Nam ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A/H1N1 trên người có nhiều bệnh nền tại Bình Định.
Hiện toàn quốc bước vào thời điểm giao mùa, thuận lợi cho mầm bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm. Để tránh mắc cúm và trở nặng, mọi người cần phòng ngừa bằng vaccine càng sớm càng tốt.
Việt Nam có vaccine cúm giúp phòng 4 chủng cúm gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi năm cần tiêm nhắc 1 mũi.
Ngoài tiêm cúm, mọi người cần tiêm mũi ngừa phế cầu để tránh bội nhiễm khi mắc cúm. Lý do là phế cầu khuẩn thường cư trú ở vùng mũi họng, dễ xâm lấn gây bệnh viêm phổi, viêm màng não khi mắc cúm. Với phế cầu khuẩn, người lớn cần tiêm trước một mũi phế cầu 13, sau đó tiêm tiếp loại phế cầu 23 để phòng ngừa đầy đủ các chủng vi khuẩn phế cầu, sau đó nhắc lại phế cầu 23 theo chỉ định của bác sĩ.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, người dân cần mặc ấm, mang khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không nên tự ý uống thuốc làm bệnh nặng hơn.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa khu vực 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.