Tại Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 chiều 27/11, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết mục tiêu của chương trình là chấm dứt cơ bản bệnh lao vào năm 2030. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa Việt Nam phải "thanh toán" bệnh lao.
"Nguyên tắc hàng đầu là phát hiện sớm, điều trị triệt để, cắt nhanh nguồn lây trong cộng đồng. Song song đó là điều trị lao tiềm ẩn, ngăn nguy cơ tiến triển thành bệnh", bác sĩ Nhung nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên, ngành y tế cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và các chuyên gia công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. AI sẽ đóng vai trò là công cụ tiếp cận mục tiêu, hỗ trợ bác sĩ nâng cao năng lực, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác; đồng thời hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị có kiểm soát.
Theo bác sĩ Nhung, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã sử dụng ứng dụng đọc phim X-quang phổi bằng AI. AI phát hiện chính xác đến 92% bệnh nhân lao phổi. 29 xe chụp X-quang di động cũng đã chủ động phát hiện bệnh lao sớm, từ xa trong cộng đồng mà bác sĩ không cần phải đến tận nơi.
Ngày nay, các bác sĩ tự tin hơn nhiều trong chẩn đoán bệnh lao, kể cả với những trường hợp khó. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân được đáp ứng, giải quyết phần nào tình trạng quá tải tại bệnh viện. Đồng thời, nhân viên y tế giảm bớt khối lượng công việc mà không bỏ sót bệnh, ngay ở giai đoạn sớm.
"Công nghệ sẽ hình ảnh hóa những bất thường dù nhỏ nhất, đưa gợi ý phần trăm nguy cơ mắc bệnh để bác sĩ quyết định có cần cho bệnh nhân khám sâu hơn hay theo dõi thêm", bác sĩ Nhung nói.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho người bệnh điều trị dài hạn, các bác sĩ đã phối hợp phát triển một ứng dụng trên điện thoại có tên Dr. Minh. Ứng dụng này có cả tiếng Anh và tiếng Việt, chạy được trên cả nền tảng IOS và Android. Dr. Minh kết nối người bệnh và bác sĩ, giúp hai bên theo dõi tiền sử khám chữa bệnh.
Với người bệnh, ứng dụng sẽ hỗ trợ báo cáo biến cố bất lợi để kịp thời xử lý; kết nối trực tiếp bệnh nhân và cán bộ y tế; giải đáp thắc mắc của bệnh nhân; nhận hỗ trợ từ các bệnh nhân khác và khuyến khích và hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị. Còn với nhân viên y tế, Dr. Minh hỗ trợ quản lý biến cố bất lợi; quản lý lâm sàng lao kháng đa thuốc; tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân và đóng góp vào báo cáo quốc gia về biến cố bất lợi.
Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia khẳng định cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nếu được phát triển đầy đủ và ứng dụng rộng rãi vào y tế, hoàn toàn có thể chấm dứt bệnh lao đúng lộ trình, thậm chí sớm hơn. Xoá bỏ được bệnh lao là tránh đi cái chết của 11.000 người và giúp hơn 100.000 gia đình hạnh phúc trong mỗi năm, ông chia sẻ.
Thư Anh