Kết quả nghiên cứu này mới đây được công bố trên Lancet Digital Health về sử dụng kỹ thuật học sâu (deep learning) trong chẩn đoán bệnh. Kỹ thuật này dùng các thuật toán, sức mạnh tính toán mô phỏng trí tuệ con người, từ đó cho phép máy tính quan sát, phân tích hàng nghìn dữ liệu hình ảnh để đưa ra chẩn đoán cho từng cá nhân.
"AI có thể phát hiện các bệnh, từ ung thư đến bệnh về mắt, tuy nhiên khả năng chẩn đoán bệnh của AI về cơ bản không vượt quá khả năng con người", giáo sư Alastair Denniston, Đại học Bệnh viện Birmingham NHS Foundation Trust dẫn đầu nghiên cứu, nói.
Thị trường toàn cầu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe đang tăng mạnh, dự kiến tăng từ 1,3 tỷ USD (năm 2019) lên 10 tỷ USD (năm 2024), theo ước tính của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.
Các bệnh viện trên khắp thế giới đang ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, trong đó có Bệnh viện Mắt Moorfields, London. Một thuật toán viết bởi Trung tâm nghiên cứu DeepMind do Google sở hữu có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chi tiết chỉ trong khoảng 30 giây bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT).
AI còn có thể xác định chính xác một số rối loạn di truyền hiếm gặp bằng cách phân tích ảnh chụp khuôn mặt bệnh nhân.
Một ứng dụng tên DeepGestalt trong ba cuộc thử nghiệm đã thể hiện khả năng vượt trội hơn các bác sĩ lâm sàng khi phát hiện hàng loạt triệu chứng bệnh.
Lê Hằng (Theo CNN)