AI ngày càng phổ biến, phát triển và có thể hỗ trợ y học, đặc biệt trong lĩnh vực ung thư.
Google cho biết đã thử nghiệm AI trên ảnh chụp CT của 42.000 người ung thư phổi - căn bệnh gây ra 1,7 triệu cái chết mỗi năm trên thế giới. Kết quả cho thấy chỉ với một lần quét ảnh, AI phát hiện chính xác thêm 5% bệnh nhân và loại trừ 11% trường hợp được chẩn đoán sai.
Thông thường, để sàng lọc ung thư phổi, bác sĩ phải xem đi xem lại ảnh CT hàng trăm lần mới đưa ra chẩn đoán.
"Khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ giúp trí thông minh nhân tạo nhận ra các mẫu mô ác tính mà mắt người không thể nhìn thấy", tiến sĩ Mozziyar Etemadi, trợ lý giáo sư từ Northwestern University và Feinberg School of Medicine nhận định.
Tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc Viện Scripps Research Translational nhìn nhận trí thông minh nhân tạo có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho các bác sĩ, song khẳng định công nghệ này không thể thay thế hoàn toàn công việc của đội ngũ y tế. Theo ông Topol, bác sĩ đọc sai hình ảnh X-quang sẽ gây hại đến một bệnh nhân còn AI nếu phát triển sai sẽ nguy hiểm cho rất nhiều người.
Muốn đảm bảo an toàn khi phổ cập đến công chúng, trí thông minh nhân tạo cần được thử nghiệm kỹ càng và kiểm tra thường xuyên.
Đăng Như (Theo New York Times)