Bà được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu tối 26/7. Bác sĩ chẩn đoán bà bị đột quỵ não, tuy nhiên hình ảnh chụp CT sọ não không phát hiện chảy máu não. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tiền sử bệnh lý về tim mạch, suy tim.
Các bác sĩ ở Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân, theo dõi đột quỵ não và sử dụng biện pháp tiêu huyết khối. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện chậm, bác sĩ chỉ định chụp CT sọ não kết hợp với ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID.
Bác sĩ Trần Quang Lục, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết sau khi chụp CT sọ não kết hợp với ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID, các bác sĩ định lượng được tổn thương của não (vùng não chết và não có nguy cơ chết). Hình ảnh từ trí tuệ nhân tạo cho thấy vùng não chết của bệnh nhân có thể tích rất nhỏ trong khi đó vùng não có nguy cơ tổn thương rộng. Bác sĩ quyết định tái thông mạch cứu vùng não có nguy cơ bị tổn thương hoặc chết mặc dù đã quá giờ vàng cấp cứu (quá 6 giờ kể từ khi khởi phát đột quỵ).
Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe cải thiện rõ rệt, người bệnh đã đi lại được và giao tiếp trở lại.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Việt Nam. Công nghệ RAPID giúp nâng thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não từ 6 giờ lên 24 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên. Kết quả chụp MRI não của người bệnh được đưa vào phần mềm ứng dụng, giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được vùng tranh tối tranh sáng, vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp với bệnh nhân.
Trong một tháng qua, hơn 100 bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID. Hiệu quả điều trị được các bác sĩ đánh giá khả quan.
RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford (Mỹ), ứng dụng ở 1.200 bệnh viện tại 40 quốc gia. Kết quả ghi nhận, trong 100 ca ứng dụng RAPID thì điều trị thành công 49 ca, nếu không ứng dụng phần mềm này chỉ 19 bệnh nhân điều trị thành công.