Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu-Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ở tuổi dậy thì, nam nữ thiếu niên đều có sự thay đổi về hormon trong cơ thể, tạo ra sự khác biệt về mặt hình thể cũng như chức năng giới tính.
Hormon là nguyên nhân gây tăng sản xuất chất bã dầu trên da đặc biệt vùng mặt, cổ, ngực, lưng. Đối với những bé có làn da dầu thì sự tăng tiết này sẽ gây ra tình trạng bít tắc ở trong nang lông, lâu dần tạo ra nhân mụn trứng cá. Quá trình tăng sừng hoá đoạn cổ nang lông cũng là một yếu tố làm hạn chế sự thoát chất bã, gia tăng thêm sự bít tắc ở nang lông.
Ngoài ra, trên da chúng ta có một loại vi khuẩn tên là P.acnes, cư trú sâu trong nang lông. Chúng sử dụng chất bã làm nguồn thức ăn và gây ra phản ứng viêm. Khi đó, chỉ cần tác động lực nhẹ sẽ làm cho thành nang lông vỡ, bã nhờn lan tràn ra mô xung quanh, làm lan rộng phản ứng viêm, tạo nên mụn mủ hoặc các nốt nang viêm lớn.
Một số nguyên nhân chủ quan khác khiến trẻ nổi mụn như ý thức vệ sinh, chăm sóc da chưa tốt, chưa đúng cách; sử dụng mỹ phẩm không phù hợp; tâm lý trẻ dậy thì hay ngại ngùng, không chịu đi khám hoặc cha mẹ xem trứng cá như là một chuyện bình thường của tuổi dậy thì, không cần phải chú trọng chuyện chăm sóc và điều trị do vậy không đưa con đi khám hoặc đi khám muộn.
Cách chăm sóc da tuổi dậy thì
Ở độ tuổi này, ý thức của các bé chưa cao nên việc chăm sóc da cần có sự phối hợp kiểm soát của cha mẹ để đạt hiệu quả cao.
Sữa rửa mặt là cần thiết đối với da dầu mụn. Việc làm sạch chất bã dầu, bụi bẩn trên da và lỗ chân lông giúp nang lông sạch sẽ, thông thoáng và làm giảm sự hình thành nhân mụn. Sữa rửa mặt chỉ nên dùng tối đa hai lần một ngày với lượng sữa rửa mặt vừa đủ. Không nên dùng quá nhiều sẽ gây khô rát và bong tróc da.
Hạn chế dùng mỹ phẩm khi đang bị mụn trứng cá, làm nặng thêm tình trạng mụn. Nếu bắt buộc sử dụng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Ánh nắng cũng làm nặng thêm trứng cá và tăng sắc tố sau viêm. Nên bảo vệ da bằng cách mang khẩu trang dày, tối màu khi đi ra ngoài. Sử dụng kem chống nắng phù hợp và thoa trước khi ra đường 30 phút. Có thể sử dụng viên uống chống nắng để thay thế trong quá trình điều trị mụn trứng cá.
Việc nặn mụn khiến tình trạng viêm nhiễm nặng nề và việc điều trị sẽ trở nên dai dẳng. Theo bác sĩ, cố tình nặn mụn, lấy nhân mụn dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc các biến chứng như sẹo rỗ, tăng sắc tố sau viêm, sẹo đỏ da. Lưu ý, việc lấy nhân mụn không phải là một phương pháp thường được dùng để điều trị trứng cá vì trong khoảng 12 tuần sau đó, nhân mụn lại tiếp tục hình thành tại các vị trí cũ. Do vậy, việc điều trị cần phải phối hợp thêm với thuốc bôi và uống tuỳ theo mức độ nặng của người bệnh.
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dầu mụn, hay các sản phẩm điều trị mụn mà không có chỉ định của bác sĩ cũng làm nặng thêm mụn trứng cá. Hậu quả của chăm sóc da không đúng cách sẽ dẫn đến việc da bị kích ứng với biểu hiện đỏ da, bong vảy, ngứa châm chích. Nặng nề hơn, những bệnh nhân sử dụng kem trộn để điều trị mụn còn phải chịu hậu quả tai biến da do corticoid với sẩn đỏ, mụn mủ, teo da, giãn mạch, sạm nám.
Khi trẻ bị nổi mụn, cần đưa trẻ đi khám với các bác sĩ chuyên khoa da liễu sớm. Việc điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp hạn chế sự lan rộng của trứng cá cũng như dự phòng được các biến chứng nặng như sẹo rỗ, sẹo đỏ da, tăng sắc tố sau viêm.
"Các biến chứng này rất thường gặp, gây ra mặc cảm tự ti cho người bệnh, thậm chí là trầm cảm do nó gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc", bác sĩ nhấn mạnh.
Thùy An