Việc tiêm vaccine không làm ảnh hưởng hiệu quả của thuốc tẩy giun. Ngược lại, tẩy giun cũng không tác động chất lượng của vaccine hay cản trở đáp ứng miễn dịch của vaccine. Do đó, bạn có thể tẩy giun và tiêm chủng cho con trong cùng một ngày hoặc bất kỳ khoảng cách nào. Trẻ không cần hoãn lịch tiêm để tẩy giun và ngược lại.
Chỉ có một lưu ý nhỏ, sử dụng thuốc tẩy giun và tiêm chủng đều có thể gây ra những phản ứng sau khi sử dụng. Vì vậy bạn cần lưu ý theo dõi trẻ sau khi tẩy giun và tiêm vaccine. Sau tiêm vaccine, cần theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Việc theo dõi sau tẩy giun cũng cần được thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trẻ em vốn hiếu động, thích mút tay, thường tiếp xúc với môi trường xung quanh như bò lê trên sàn nhà, nhặt thức ăn rơi vãi, ngậm đồ chơi, chơi với thú cưng... Những thói quen này khiến trẻ có nguy cơ cao nhiễm giun sán và các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp lẫn tiêu hóa.
Khi mắc bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, phế cầu, não mô cầu, trẻ dễ trở nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm, để lại các di chứng vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Còn khi nhiễm giun, trẻ dễ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm lớn, kém tập trung và giảm khả năng học tập. Trẻ có thể nhiễm nhiều loại giun cùng một lúc. Trường hợp nặng, nhiễm giun có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, viêm ruột thừa, giun chui ống mật, tử vong.
Do đó, trẻ em cần được tiêm vaccine đúng liều, đủ lịch, kể cả các mũi nhắc để bảo vệ sức khỏe. Việc tẩy giun cần được thực hiện định kỳ theo lịch của cơ quan y tế địa phương hoặc chủ động tẩy giun 6 tháng một lần.
Để ngăn ngừa nhiễm các bệnh truyền nhiễm và giun sán, bạn cũng cần kết hợp các biện pháp như giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh cá nhân, không đưa tay lên mặt, miệng, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC