Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo phụ huynh đưa con tiêm vaccine viêm não Nhật Bản trong bối cảnh giao mùa, nhất là khi Hà Nội ghi nhận ca bệnh đầu tiên trong năm. Ngoài ra, tháng 5-8 là mùa hè, mưa nắng thất thường là thời điểm muỗi truyền bệnh sinh sôi dẫn đến các bệnh viêm màng não, viêm não có nguy cơ bùng phát.
"Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản và phải tiêm đúng lịch, kể cả mũi nhắc lại", bác sĩ Chính nói.
Tùy theo mỗi loại vaccine, có thể chỉ tiêm một mũi hoặc phải nhắc lại. Việc tiêm nhắc lại rất quan trọng vì miễn dịch từ vaccine suy giảm theo thời gian, hình thành "khoảng trống miễn dịch" khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Như trường hợp bé trai 12 tuổi ở Hà Nội mắc viêm não Nhật Bản, đã tiêm bốn mũi Jevax. Vaccine này cần nhắc lại mỗi 3 năm một lần. Tuy nhiên bé tiêm mũi cuối vào tháng 6/2019, đến nay đã 5 năm liên tiếp chưa được nhắc lại - nguyên nhân nhiễm virus.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản gồm Jevax (Việt Nam), Imojev (Thái Lan), Jeev (Ấn Độ). Phác đồ tiêm áp dụng theo từng loại.
Jevax có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Phác đồ ba mũi cơ bản và cần tiêm nhắc 3 năm một lần. Hai mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi ba cách mũi hai 1 năm, sau đó cứ 3 năm cần tiêm nhắc lại một lần.
Imojev ít số mũi tiêm hơn. Trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi tiêm hai mũi, cách nhau một năm. Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi.
Jeev tiêm cho trẻ từ 12 tháng đến 49 tuổi. Liệu trình tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng, lịch tiêm nhắc tùy vào lứa tuổi và khuyến cáo tiêm chủng của mỗi quốc gia.
Theo bác sĩ Chính, lịch tiêm nhắc vaccine Jevax dài, có thể khiến phụ huynh quên lịch hoặc hiểu lầm chỉ tiêm ba mũi cơ bản là đủ. Vì vậy gia đình có thể cho trẻ tiêm kết hợp với Imojev.
Trẻ đã tiêm một mũi Jevax: Tiêm thêm hai mũi Imojev. Mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax tối thiểu hai tuần.
Trẻ đã tiêm hai mũi Jevax: Tiêm thêm hai mũi Imojev. Mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax thứ hai tối thiểu một năm.
Trẻ đã tiêm ba mũi Jevax: Tiêm thêm một mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu ba năm.
"Khi tiêm kết hợp Jevax và Imojev theo phác đồ trên, trẻ không cần tiêm nhắc suốt đời", bác sĩ Chính nêu.
Bác sĩ Chính cho biết thêm, cả ba loại Jeev, Jevax, Imojev đều phòng bệnh viêm não Nhật Bản B nhưng sản xuất theo công nghệ khác nhau. Trường hợp không thể hoàn thành liệu trình của một loại vaccine, có thể chuyển đổi cho nhau tùy theo lứa tuổi, lịch sử tiêm chủng trước đó. "Việc kết hợp các loại vaccine cần tham vấn ý kiến bác sĩ để được chỉ định liệu trình phù hợp", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Những người du lịch, công tác ở vùng có bệnh viêm não Nhật Bản rà soát, tiêm bổ sung nếu chưa chủng ngừa đủ mũi. Phác đồ bổ sung phụ thuộc vào lứa tuổi và tiền sử chủng ngừa.
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ổ chứa virus là các loài chim hoang dã, heo, bò, ngựa... truyền bệnh cho người thông qua vết muỗi đốt. Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè, hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loài muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Thời gian ủ bệnh 5-14 ngày, trung bình khoảng một tuần song không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Sau giai đoạn này, virus vượt qua hàng rào mạch máu não và gây phù não, gây sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác như ngủ gà, li bì, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ... Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng không điển hình và khó phát hiện hơn như sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn tương tự ngộ độc thực phẩm, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê.
Bệnh diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%, di chứng thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn có thể xảy ra ở 30-50% người bệnh, theo WHO. Ngoài ra, nghiên cứu của Đại học OKama, Nhật Bản năm 2018, cho thấy người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn sau vài năm hoặc thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.
Ngoài tiêm vaccine, để tăng phòng bệnh gia đình cần giữ nơi ở sạch sẽ, tránh muỗi. Chuồng trại và đàn gia súc bố trí xa gia đình, tránh lây nhiễm mầm bệnh. Diệt muỗi bằng cách loại bỏ bụi rậm, phun thuốc; tránh muỗi đốt bằng việc ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
Gia Nghi