Nhà tôi có hai cháu nhỏ, một cháu năm nay lên cấp hai và một cháu vào lớp một. Gia đình chúng tôi là một gia đình cơ bản, hai vợ chồng đi làm thuê, làm công ăn lương, sáng 7h đi làm tối 18h về nhà.
Mọi chuyện thực ra cũng chẳng có gì rắc rối cho đến khi cháu nhỏ bắt đầu vào lớp một. Cháu vừa mới học lớp một được khoảng hai tuần nhưng đã phải học một cách hết sức vất vả nhưng vẫn không hoàn thành hết được những thứ mà cô giao về nhà.
Chúng tôi đã tính trước khó khăn của bé khi bắt đầu vào lớp một, cho nên ngay từ khi học hết mẫu giáo là tôi đã dạy bé đọc dần, theo chiến thuật mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày dạy cháu đọc từ 10 đến 20 phút. Cuối cùng đến ngày đi học cháu đã đọc rất tốt, thậm chí đọc đc toàn bộ văn bản.
Cứ tưởng vậy là yên tâm, nhưng đến khi học viết mới là thảm họa. Mới học có hai tuần mà cháu đã phải viết từ một đến hai trang giấy từ các chữ đơn cho đến chữ ghép, thậm chí cả một dòng.
Ở lớp học cả sáng lẫn chiều, về nhà chưa kịp nghỉ ngơi cơm nước xong lại ngồi viết. Nếu như theo đúng bài tập cô giao thì có lẽ cháu viết đến lúc đi ngủ, khoảng 10h đêm cũng không thể xong nổi. Rất may là cháu nhà tôi đã đọc thạo, nếu không không biết bao giờ mới học xong.
Các cháu còn nhỏ, cũng muốn được đi chơi, nô đùa cùng bạn bè, nhưng hai tuần nay cháu nhà tôi phải ở nhà ngồi luyện viết một cách rất áp lực. Bản thân tôi chỉ cho cháu học một, hai tiếng còn lại cho cháu được chạy đi chơi với bạn. Việc chưa hoàn thành để cháu làm dần, không thể ép các cháu học như thế được. Ở đây tôi nói chỉ mỗi môn tiếng Việt, ngoài ra còn nhiều môn học nữa.
>> 'Vòng đời khuôn mẫu' của học sinh Việt
Bởi vì áp lực viết bài mà vợ tôi còn có ý tưởng gửi cháu đến nhà cô giáo kèm thêm. Tôi kịch liệt phản đối dẫn tới gia đình nhiều lúc cãi nhau ầm ĩ, bởi đơn giản tôi muốn cháu được học và được chơi, không thể ngày nào cũng học thế được.
Tôi nghĩ các nhà làm giáo dục nên xem xét và lược bớt giảm tải áp lực học cho các cháu. Con cháu chúng ta nên cho chúng có thời gian học và thời gian chơi. Đừng để các cháu giống như những con rô bốt, mất hết tuổi thơ vì áp lực học hành.
Mọt
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.