Nhiều bạn tôi có con vào lớp một. Họ nói rằng không tạo áp lực cho con nhưng bản thân lại rất hoang mang, không biết dạy thế nào để con không bị thua kém. Tôi nghĩ, việc tự tạo áp lực thái quá là không cần thiết.
Với quan điểm của riêng tôi, việc học là chuyện lâu dài, không phải một sớm một chiều. Những đứa trẻ sẽ còn có mấy chục năm để học và bằng nhiều cách khác nhau. Vậy nên, tôi và chồng đồng tình cả gia đình sẽ cùng học trong niềm vui chứ không phải trong nước mắt của con và sự căng thẳng của ba mẹ.
Trẻ còn nhỏ để có thể tập trung. Nhiều ba mẹ căng thẳng vì con cứ ngồi vào bàn học là có "sự cố" xảy ra. Có trẻ mới bắt đầu học đã hoảng sợ òa khóc và cứ thút thít đến hết giờ, có trẻ thích xem phim, chơi game trên máy nên khi có cơ hội là vòi ba mẹ; có trẻ đến giờ học là con buồn ngủ, con mệt, con đói, con mắc đi vệ sinh... Trẻ sẽ có vô vàn những lý do "trời ơi đất hỡi" khiến ba mẹ phải điên đầu.
Nhưng tôi thấy trẻ con phải thế. Vẫn có những trẻ chăm ngoan nhưng đa phần trẻ không thích thú với chuyện học, nhất là việc học online bởi không có cô giáo trực tiếp quản lý. Tôi nghĩ cha mẹ phải chuẩn bị trước tinh thần. Sự căng thẳng, cáu gắt, la mắng chỉ làm những con thêm nản lòng và sợ học.
Khi mình hiểu được bản tính của trẻ thì dễ dàng uốn nắn, khuyên nhủ và bỏ qua trong một vài trường hợp. Con còn rất nhiều thời gian để học sau này. Với trẻ mới vào lớp 1, việc không được trực tiếp lên lớp học cùng cô giáo và các bạn đã là một thiệt thòi. Con lại lần đầu tiên phải ngồi lâu một chỗ, nhìn vào màn hình máy tính, vậy cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe rồi. Vậy nên ba mẹ không nên quá áp lực, buộc con phải học hành một chỗ cho đàng hoàng tử tế.
>> Giáo viên khổ trăm bề khi dạy online
Tôi nghĩ các lớp nhỏ, chương trình học không nhiều, lại không đặt gánh nặng con phải giỏi nên bản thân cũng thấy nhẹ nhàng. Có thể giờ học online của con không hiệu quả, có thể lỗi ở con, nhưng đôi khi do yếu tố khách quan như chưa tắt micro nên rất ồn, không nghe được cô dạy.
Nhưng vẫn còn rất nhiều khoảng thời gian khác trong ngày để cha mẹ dạy con. Cha mẹ chỉ cần biết trọng tâm kiến thức để dạy cho con thì không có gì phải quá lo lắng. Ví dụ như có thể dạy con đếm từ 1 đến 100, các phép cộng trừ cơ bản, cách đọc chữ cái, cách ghép từ... Lúc rảnh rỗi cả nhà cùng chơi, cùng làm, cùng ôn luyện.
Con chưa học được thì từ từ học tiếp. Giai đoạn này con chưa học tốt thì còn rất nhiều những giai đoạn tiếp theo để khắc phục và trau dồi. Trong giai đoạn này, sức khỏe thể chất và tinh thần của con vẫn là quan trọng nhất, còn chuyện "học phải cho ra học", tôi tạm gác sang một bên.
Tú Oanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.