Trong đại dịch này ta đã thấy một mô hình giáo dục khác mà nhem nhóm tính chất ưu việt hơn cái mô hình truyền thống cũ kĩ và bất công này. Đó là mô hình giáo dục trực tuyến. Đó là khả năng tiếp cận nhiều người, giá thành không quá cao, cá nhân hóa cao và an toàn trong thời kỳ dịch.
Trước khi nói về việc học trực tuyến, chúng ta hãy điểm lại về mô hình của giáo dục truyền thống. Thực tế mô hình giáo dục cả chúng ta đã phát triển từ tận thời kỳ trung cổ. Nó xuất phát từ mô hình phường hội của các nghề thủ công. Một người thợ nề, thợ mộc học được một chút ít tay nghề từ cha ông hay tự mò mẫm đóng cái bàn cái ghế.
Muốn tăng lên tay nghề, anh ta phải khăn gói lên những thành thị lớn, xin vào 1 phường 1 hội nào đó để theo học. Tất nhiên phường hội càng nổi tiếng, sau khi tốt nghiệp, tiền đồ của anh ta càng rộng mở.
Giáo dục trước đây cũng vậy. Một học sinh xuất phát từ các lớp mầm non, dựa trên các kì thi để cố gắng vào các ngôi trường danh giá hơn. Ngôi trường càng danh giá sẽ càng cho người học một vị thế nhất định trong xã hội. Bản thân các ngôi trường danh giá cũng sẽ tìm cách giữ lại, hay nói theo triết học, là cố gắng chiếm hữu tư liệu sản xuất mà trong trường hợp này ta gọi là tư liệu giáo dục, tức là các giáo viên giỏi, các giáo án tốt, các cơ sở vật chất tốt cũng như thắt chặt đầu vào nhằm giữ vị thế của mình.
Chiếm hữu tư liệu giáo dục tạo ra cái gọi là lạm phát giáo dục. Lạm phát tức là giá thành để sở hữu một sản phẩm dịch vụ vượt xa giá trị mà nó mang lại. Liệu có ai từng thắc mắc tại sao ngày xưa ông bà có thể nuôi 7-8 đứa con đi học. Còn ngày nay nuôi 1-2 đứa con đi học đã sứt đầu mẻ trán hay không. Tại sao nước Mỹ giàu có mà nhiều người đi làm 20-30 năm không trả hết nợ đại học. Hay cho con cái học đại học tốn hàng trăm triệu mà về đi làm lương không nổi 5 triệu.
Tại nước ta chưa có báo cáo hay khảo sát cụ thể về vấn đề này, nhưng tại Mỹ luôn có báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng các ngành nghề (CPI). Ta sẽ luôn thấy CPI của giáo dục luôn cao hơn CPI các ngành khác và vượt rất rất xa tổng CPI của toàn quốc. Tất nhiên đó không phải số liệu nước ta, nhưng có thể thấy mô hình chung của xã hội sẽ tịnh tiến. Lạm phát tăng cao cộng với việc chiếm hữu tư liệu giáo dục sẽ dẫn đến những đứa trẻ nhà giàu sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tư liệu giáo dục tốt hơn, còn những đứa trẻ nhà nghèo sẽ ít cơ hội hơn.
>> Cả lớp chỉ mình con tôi không học online
Thực tế ta có thể so sánh, một đứa trẻ tại thành thị, ngay mẫu giáo đã được học tiếng Anh, tiếp cận các giáo viên tốt, học những bộ môn phát triển cá nhân. Trong khi một đứa trẻ nông thôn, ngay cả giáo viên phát âm tiếng anh chuẩn cũng khó tìm. Còn những đứa trẻ vùng sâu vùng xa, có lẽ có giáo viên thôi đã là tốt lắm rồi.
Tuy nhiên, giáo dục còn là cơ hội trở mình của người nghèo. Câu chuyện này có lẽ mọi người thấy nhiều. Thế hệ xưa, ít nhà có thể cho con đi học, cả làng xã chỉ một số ít được đi học. Nhưng một số ít đó sau này lật mình, trở nên giàu có trở về quê hương.
Điều này khiến thế hệ tiếp theo, dồn hết tâm lực cho con đi học, hi vọng một cơ hội lật mình cho con cái. Còn những người đã thành đạt, để đảm bảo con cái có thể giữ được vị thế như cha mẹ chúng, họ cũng sống chết đầu tư cho con cái học hành. Có thể thấy giáo dục không chỉ có ý nghĩa toàn dân mà với mỗi cá nhân nó cũng có ý nghĩa trọng đại.
Mô hình giáo dục trực tuyến xuất hiện trong đại dịch đã thể hiện nhiều tính ưu việt. Đầu tiên là khả năng tiếp cận người học rộng lớn của mô hình giáo dục trực tuyến. Điều này là không thể bàn cãi. Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa được nghe giảng viên Đại học quốc gia giảng bài. Đây là điều mà mô hình truyền thống không thể làm được. Cuối cùng các ngôi trường danh giá có thể phục vụ được nhiều hơn lượng học sinh họ có thể phục vụ. Tư liệu giáo dục vì thế được phổ cập mà không ảnh hưởng đến lợi ích của của các chủ sở hữu của nó.
Tiếp đó là giá thành. Do bỏ qua được các chi phí trung gian như trường lớp, cơ sở hạ tầng giáo dục mà chi phí các khóa học trực tuyến sẽ giảm đáng kể so với học truyền thống. Điều đó có lợi cho cả phía cung cấp dịch vụ giáo dục là nhà trường và bên sử dụng dịch vụ là người học. Tất nhiên giá thành giảm sẽ tăng đáng kể mức độ tiếp cận cho mọi người, từ đó gián tiếp tăng trưởng trình độ toàn dân. Không thể không kể đến, là tính linh hoạt của học trực tuyến. Các khóa học trở nên rành mạch và độc lập cho phép chúng ta lựa chọn học cái gì và không học cái gì.
Điều này khá quan trọng trong một thế giới đang hướng đến việc cá nhân hóa năng lực mỗi người. Ta buộc phải thừa nhận mỗi người là một cá thể độc lập, có khả năng và nhân cách riêng không ai giống ai. Thế thì tại sao lại giáo dục mọi người theo một khuôn mẫu chung như những cỗ máy trong nhà máy. Giáo dục trực tuyến sẽ cho ta công cụ để cá nhân hóa chương trình học cho mỗi người phù hợp năng lực, trình độ, sở thích của từng người.
>> Ba lý do khó dạy và học online giữa Covid-19
Ngoài ra còn một lợi ích không nhỏ nữa. Đại dịch xảy ra như một sự kiện lớn của thế kỷ này. Với nhiều người, nhu cầu của họ sẽ là một hình thức học tập an toàn hơn. Học trực tuyến, hay thậm chí mô hình trường học tại gia sẽ là một mô hình của tương lai.
Tuy nhiên giáo dục trực tuyến vẫn là một mô hình quá mới so với mô hình truyền thống.
Trong khi mô hình truyền thống có tuổi đời hàng thiên niên kỉ thì giáo dục trực tuyến chỉ thật sự được để mắt tới hơn chục năm đổ lại đây. Vì vậy nó còn rất nhiều khuyết điểm cần được bù đắp. Đầu tiên là vấn đề các mối quan hệ hình thành trong quá trình học. Ít người để ý vấn đề này, nhưng sự thật các mối quan hệ hình thành trong giai đoạn học tập có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời sau này của mỗi người.
Các bạn học của bạn sau này có thể chính là đồng sáng lập, đồng nghiệp, hay chuyên gia của bạn. Thầy giáo của bạn có thể là người kết nối bạn đến những thế hệ tiếp theo trong doanh nghiệp của bạn, hay đơn giản là 1 cố vấn trong nhiều vấn đề của bạn. Tất cả việc này có được nhờ sự giao tiếp trực tiếp của bạn và những cá nhân này. Nhưng với học trực tuyến, mối quan hệ này trở nên mờ nhạt hơn, thiếu gắn kết hơn, và vì vậy làm lỏng lẻo mạng lưới quan hệ của mỗi người.
Tiếp đó là phương pháp học. Học trực tuyến rất khó tập trung. Thực ra hiện tại chưa có phương pháp học thực sự hiệu quả và phổ biến cho vấn đề học trực tuyến. Điều này khiến giáo dục trực tuyến hiện tại chỉ thật sự hiệu quả với cấp đại học và trên đại học, khi học sinh đã trưởng thành và có ý thức cao về vấn đề học tập. Có lẽ trong thời gian tới, ta sẽ có nhiều nghiên cứu về các phương pháp giúp tập trung và nâng cao hiệu quả của việc học trực tuyến, nhưng hiện tại vẫn là chưa có. Ngoài ra không thể không kể đến là chi phí đầu tư cơ sở vật chất.
Đành rằng học trực tuyến giúp giảm chi phí học tập, nhưng nó vẫn cần những công cụ học tập nhất định: máy tính, mạng internet, hay xa hơn còn máy in, camera, giáo trình... Bản thân các cơ sở cung cấp dịch vụ học trực tuyến cũng cần đầu tư các cơ sở vật chất, giáo án phù hợp với học trực tuyến. Nó đẩy chi phí đầu tư lúc đầu trở nên cao hơn. Song về lâu dài, những thứ đó đều có thể tận dụng lại, nên sẽ giảm chi phí trong dài hạn. Cuối cùng là sự thừa nhận của người dân.
Người Đức có câu: người nông dân sẽ không ăn những gì mà họ không thừa nhận. Sự e ngại của mọi người với hình thức học trực tuyến là một trở ngại lớn. Điều này cũng bình thường khi học trực tuyến là một định nghĩa mới với hầu hết mọi người, và bị ép phải sử dụng trong một điều kiện không mấy vui vẻ.
Nhưng qua thời gian, sự hiệu quả có thể sẽ chứng minh và mọi người có lẽ sẽ thừa nhận đây là một mô hình hiệu quả song song với mô hình truyền thống. Bản thân tôi không hề nghi ngờ tương lai của giáo dục chính là giáo dục trực tuyến. Nhưng đó là tương lai, còn hiện tại, những thiếu sót và bất cập trong việc triển khai giáo dục trực tuyến là không thể chối bỏ. Bản thân chủ quan của tôi có một số góp ý cho việc học trực tuyến tại các tỉnh thành đang ảnh hưởng của dịch bệnh.
>> Học online mùa dịch tại Canada có gì lạ?
Đầu tiên, đơn vị của giáo dục trực tuyến không phải nhà trường theo nghĩa của chúng ta vẫn biết. Giáo dục trực tuyến có độ phủ cao hơn, nên cần sự thống nhất hơn. Các sở giáo dục nên tự soạn giáo án dựa trên sự đóng góp của các giáo viên đầu ngành của tỉnh thành phố và cung cấp một chương trình học chung trên cả địa bàn thay vì để mỗi trường tự lo như hiện tại.
Cơ sở vật chất của việc học trực tuyến là một vấn đề. Dù smartphone có phổ biến nhưng nó chưa phổ biến bằng cơ sở hạ tầng ngành truyền hình. Hãy trưng dụng hệ thống truyền hình để làm cơ sở cho học trực tuyến. Có thể đăng kí mở thêm kênh, sắp xếp thời gian biểu chủ động. Người dân sẽ không phản đối việc mất một bộ phim truyền hình để con cái họ được học tập tốt hơn đâu.
Bản thân các trường có thể cung cấp thêm các lớp nâng cao dựa trên chương trình do sở, bộ ngành cung cấp. Điều đó giúp các trường vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh đào tạo của mình.
Ngành giáo dục có thể nghiên cứu các phương pháp học trực tuyến để đưa ra các hướng dẫn nhằm giúp học sinh tập trung và học tập trực tuyến hiệu quả hơn.
Kể cả sau đại dịch, học sinh được trở lại lớp, hãy cố gắng duy trì các lớp học trực tuyến như một phần giúp các học sinh nông thôn, học sinh vùng sâu vùng xa được tiếp cận các giáo án, bài giảng chất lượng hơn. Nên coi đây là một công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh công bằng, nâng cao tri thức cho bà con không có điều kiện.
Hoan Nguyen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.