Mấy hôm nay, dư luận, báo chí bàn tán xôn xao về "trường học hạnh phúc". Tôi cũng như những người cha, người mẹ khác, cũng suy nghĩ xem con mình đã thực sự hạnh phúc ở trường chưa? Tôi không biết chính xác như thế nào mới gọi là "hạnh phúc", cũng không biết các tiêu chí các cấp giáo dục đưa ra để đánh giá, nhận xét một trường học là hạnh phúc như thế nào? Tôi chỉ cảm nhận được rằng, con tôi đang hạnh phúc ở môi trường học tập hiện tại.
Năm học mới đã qua được hơn một tháng, tôi thấy hai con đều háo hức mỗi sáng để được đến trường. Con lớn của tôi hào hứng khi sáng sáng, được mẹ cột cho mái tóc búi cao, trang điểm thêm là cái xược tóc và dây nơ hồng to trên búi tóc, nhìn gọn gàng và đáng yêu. Con đến lớp được vô tư chơi đùa cùng các bạn.
Và đặc biệt, là con có một cô giáo chủ nhiệm trẻ, tâm lý. Tôi từng rất bất ngờ, ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc khi nhận được tin nhắn của cô chủ nhiệm: "Em thấy con có năng khiếu học Văn rất tốt. Năm nay môn Văn có nhiều bài khó, câu hỏi cũng khó hiểu, vậy mà em thấy con tư duy câu trả lời rất nhanh. Con viết Văn chưa phải quá xuất sắc, nhưng em thấy tư duy học của con tốt. Học tiết Văn, đa phần các bạn uể oải nhưng con lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Em nghĩ con cứ phát huy được thế này, thì tương lai chắc là sẽ ổn lắm chị ạ".
Nhớ lại, tối hôm trước, tôi thấy con vừa cười hạnh phúc vừa khoe: "Mẹ ơi, cô bảo con là 'Con bị tăng động đấy à? Cứ như con loi choi ý'". Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao cô lại nói con như vậy? Và ngạc nhiên hơn là con nói với giọng đầy tự hào và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Tôi hỏi con: "Con như thế nào mà cô lại nói vậy?". "Dạ vì cô đặt câu hỏi, con cứ giơ tay xung phong nhưng không thấy cô gọi, nên con nhảy lên và bảo: 'Con ạ, con ạ'", con đáp.
Tôi mỉm cười xoa đầu con bé: "Mẹ biết là con mẹ biết câu trả lời nên con hào hứng giơ tay để được cô gọi đúng không? Con cứ giơ tay cao, và ngồi yên tại chỗ, chắc chắn là cô sẽ nhìn thấy. Có thể vì cô biết, câu hỏi đó quá dễ đối với con, nên muốn dành cơ hội trả lời cho các bạn khác. Còn câu khó, cô sẽ gọi con, vì cô biết là con gái mẹ sẽ trả lời được. Rút kinh nghiệm, lần sau không như thế con nhé, con sẽ làm lớp ồn, ảnh hưởng các bạn khác và điều đó cũng sẽ khiến mình trở nên nhí nhố, chưa nghiêm túc trong giờ học đúng không?".
>> 'Tôi không hiểu sao nhiều giáo viên sợ phụ huynh đến thế'
Con mỉm cười bẽn lẽn. Con còn kể: "Cô Chi và cô Uyên là hai mẹ con, tính cách khác nhau nhưng đều tuyệt vời mẹ ạ. Cô Uyên thì hiền, nhưng nghiêm khắc, nhiệt tình và dạy rất hay. Cô Chi thì trẻ, đáng yêu và chiều bọn con lắm ạ. Giờ ra chơi, bọn con chưa làm xong bài thì cô Uyên nhắc bọn con hoàn thành bài rồi ra chơi, mà cô Chi thì bảo bọn con gấp sách vở ra chơi rồi vào học sau. Cô bảo ra chơi cho thoải mái rồi vào học nghiêm túc nhé. Cô tâm lý mẹ nhỉ?".
Nhân tiện thấy cô nhắn tin, tôi có kể lại việc con bé khoe rằng: "Cô bảo 'con bị tăng động à?'" kèm một biểu tượng mặt cười. Đáp lại tôi, cô cười: "Em trêu con. Tại con hào hứng, rồi giơ tay lại cứ phải nhảy lên choi choi, chứ không ngồi im được, buồn cười lắm chị ạ". Cuộc nói chuyện giữa cô giáo và phụ huynh cứ thể trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Có một hôm, con tôi bức xúc kể về sự chưa chu đáo và hành động chưa thật đẹp của một nhân viên ở trường. Tôi gọi điện trò chuyện nhẹ nhàng với cô chủ nhiệm. Cô bảo: "Chiều nay, em cũng nghe các con tâm sự rồi, và có vài phụ huynh cũng gọi cho em rồi. Em xin ghi nhận, và sẽ góp ý lại với chị ấy.". Tôi hỏi: "Em góp ý có tiện không? Không thì để chị nói chuyện với cô Hiệu trưởng cho". Cô đáp: "Chị cứ để em nói chuyện với chị ấy trước đã, nếu không được thì em sẽ nhờ các chị trao đổi với Ban giám hiệu sau". Rồi từ sau hôm đó, tôi không thấy con tôi phàn nàn gì về thái độ của cô nhân viên kia nữa.
Thỉnh thoảng, cô giáo lại nhắn tin nhắc tôi hãy động viên con tham gia các các kỳ thi như TIMO, VIO, hay Kỹ năng sống, để con có thêm kiến thức, kỹ năng mềm và có thể là cả tiêu chí xét điểm cộng để sang cấp hai có thể nộp hồ sơ vào trường tốt của huyện. Con tôi thật may mắn vì được học trong một môi trường giáo dục như vậy. Còn tôi cũng thật may mắn vì gặp được một giáo viên chủ nhiệm tận tâm và tuyệt vời như thế.
Với đứa con nhỏ của tôi, năm nay vào lớp 1, con cũng rất thích đến lớp, vì được cô dạy cho biết đọc, viết, được cô khen khi đọc tốt, hay làm Toán giỏi. Con tự hào vì được cô nhắc: "Con đọc to, rõ ràng lên như chị Thảo Nguyên (tên chị gái) cho cô xem nào" (chị con cũng là học trò của cô). Con đặc biệt vui, thích được đến trường vì được chơi cờ vua cùng bạn.
Con thích chơi cờ, thường rủ mẹ chơi cùng nhưng tôi lại quá bận, không thể ngày nào cũng dành thời gian chơi cùng con. Kể từ lúc tìm được một bạn ở lớp cũng thích chơi cờ giống mình, ngày nào con cũng mang cờ vua đi học, giờ ra chơi lại túm năm tụm ba cùng nhau chơi. Trường con còn thành lập các CLB ngoại khóa tự nguyện như nhảy, võ, vẽ, đàn, bóng rổ... với mức học phí rất phải chăng (300.000 - 400.000 đồng một tháng).
Lịch học của con tôi gần như kín cả tuần, với Tiếng Anh, võ, vẽ, đàn, nhảy... Mẹ tôi lo lắng vì lịch học của các cháu kín quá. Nhưng tôi cười vì biết con vừa vận động khỏe mạnh, vừa giải trí, chứ không áp lực nặng nề gì. Giờ đó mà ở nhà, thì chắc con lại chúi đầu vào TV hay điện thoại nên để con tôi vui vẻ vì được đến các CLB còn có ích hơn nhiều.
Có lẽ tôi và cả các con của mình quá may mắn, vì tìm được các lớp ngoại khóa giá rẻ, phù hợp tài chính của gia đình. Con tôi không học võ ở CLB ở trường mà học lớp dạy võ cổ truyền miễn phí ở một ngôi chùa gần nhà. Lớp đàn, lớp nhảy, con học ở CLB tại trường. Lớp vẽ thì con được phụ huynh của bạn cùng lớp, là giảng viên Mỹ thuật một trường đại học, dạy với mức học phí chỉ gọi là cho có, với sĩ số chỉ 4-5 đứa trẻ. Hay lớp Tiếng Anh ở trung tâm gần nhà, tôi đóng học phí theo tháng, chỉ từ 65.000 - 85.000 đồng một buổi, chứ không phải cả khóa vài chục triệu đồng như các nơi khác.
Cũng có đôi khi tôi thấy vài điều chưa hợp lý, cũng bức xúc khi nhìn thấy chiếc ghế gãy trường chưa kịp thay, chỗ dột trần phòng học chưa kịp sửa. Nhưng có lẽ phụ huynh cũng chỉ cần nhẹ nhàng góp ý, là các thầy cô tiếp thu và xử lý. Thế là ổn.
Thi thoảng, tôi lại nghe được mấy chị đồng nghiệp cằn nhằn về các khoản thu đầu năm, các môn học liên kết, hoạt động ngoại khóa phí cao hay những bức xúc khác ở trường của con họ. Tôi lại thấy mình may mắn vì hai con đã được học với những thầy cô giáo có tâm như thế. Hiện tại, thấy con vui vẻ tới trường, tới lớp, vui chơi cùng bạn bè, tình cảm và quan tâm, yêu thương gia đình, theo tôi thế là hạnh phúc rồi!
Chan
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.